Abdul Munir, 20 tuổi, là một chuyên gia bắt rắn và nghệ sĩ trình diễn rắn, sống tại tỉnh Trung Java (Indonesia). Mới đây, thanh niên này đã thiệt mạng khi đang trình diễn động tác hôn vào đầu rắn hổ mang, một trong những động tác hết sức nguy hiểm.
Đoạn video do một nhân chứng ghi lại cho thấy Abdul Munir cùng những người bạn của mình đang trình diễn xiếc rắn trước sự chứng kiến của nhiều người. Abdul đã thực hiện động tác nguy hiểm đó là cúi xuống để hôn vào đầu một con rắn hổ mang, tuy nhiên, con rắn bất ngờ lao lên tấn công, cắn trúng mặt của Abdul.
Abdul được đưa đến phòng khám địa phương, nhưng nọc độc rắn đã phát tán nhanh chóng khiến anh này dần mất ý thức. Do phòng khám địa phương không có huyết thanh cũng như không đủ điều kiện để chữa trị, Abdul được chuyển đến bệnh viện, nhưng các bác sĩ xác định nạn nhân đã tử vong trước khi nhập viện.
Các nhân chứng cho biết Abdul đã tử vong chỉ khoảng 30 phút sau khi bị rắn cắn.
"Nạn nhân đã bị tử vong chỉ một thời gian ngắn sau khi bị rắn cắn, dù anh ấy đang được chuyển đến bệnh viện lớn với trang bị tốt hơn để xử lý vết cắn. Chúng tôi khuyên mọi người không nên tiếp tục các màn diễn với rắn vì nó rất nguy hiểm", Siswanto, cảnh sát trưởng tại khu vực xảy ra vụ việc, cho biết.
Theo truyền thông địa phương, Abdul và những người bạn của mình kiếm tiền bằng cách trình diễn những màn xiếc rắn tại các ngôi làng ở tỉnh Trung Java. Nhóm của Abdul sẽ nhận tiền ủng hộ từ những người xem xiếc hoặc bán các sản phẩm của họ sau các màn trình diễn xiếc rắn.
Ngoài ra, Abdul cùng các bạn cũng hỗ trợ người dân bắt rắn nếu họ phát hiện loài vật này xuất hiện tại khu dân cư.
Nhóm bạn của Abdul mô tả anh là một người hiền lành, tốt bụng. Họ cho biết sẽ dừng các màn diễn mạo hiểm với rắn vì lo ngại sẽ có kết cục như Abdul.
Con rắn cắn Abdul khiến anh này tử vong được xác định là một cá thể rắn hổ mang phun nọc Java. Dựa vào kích thước của con vật trong đoạn clip cho thấy đây chưa phải là một cá thể rắn trưởng thành.
Rắn hổ mang phun nọc Java có thể đạt độ dài 1,4m khi trưởng thành, nhưng có những trường hợp dài hơn 1,6m. Loài rắn này chủ yếu sống trong những khu rừng nhiệt đới và ẩm ướt, nhưng cũng có thể thích nghi nhiều điều kiện sống khác nhau, bao gồm cả những khu vực có con người sinh sống.
Đúng như tên gọi của mình, loài rắn hổ mang này có thể phun nọc độc để tấn công kẻ thù từ xa nếu cảm thấy bị đe dọa. Dĩ nhiên, chúng cũng có thể tung ra những cú cắn chết chóc. Thức ăn chủ yếu của loài rắn này là chuột, ếch, thằn lằn và cũng có thể ăn thịt một số loài rắn khác.
Rắn hổ mang phun nọc Java sở hữu nọc độc thần kinh, có thể khiến nạn nhân bị ngưng tim sau khi cắn nếu không được cứu chữa kịp thời. Những con non của loài rắn này sở hữu nọc độc đủ giết chết người trưởng thành ngay sau khi nở ra khỏi trứng.
Tại Indonesia, có 2 loài rắn hổ mang phổ biến, bao gồm rắn hổ mang phun nọc Java và hổ mang phun nọc Sumantra. Ngoài ra, tại Indonesia còn có sự tồn tại của rắn hổ chúa, nhưng trên thực tế hổ chúa không được xếp vào chi rắn hổ mang thực sự.
Theo VPress/YN