Thông điệp được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói tại lễ ra mắt Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn (ESC) do Khu công nghệ cao TP HCM thành lập, chiều 6/9. Chia sẻ về tầm nhìn phát triển ngành vi mạch, ông cho biết, dựa vào nguồn nhân lực từ đại học, doanh nghiệp nhà nước sẽ đầu tư các lab hiện đại để nắm vững cả chuỗi giá trị của ngành vi mạch, đến giai đoạn marketing. "Đây là đầu tư cho phát triển, cho tương lai nên cá nhân tôi thay mặt Thủ tướng cam kết thời gian tới sẽ thực hiện các nhiệm vụ này", ông nói.
Chia sẻ quan điểm về đào tạo vi mạch trong nước, Phó thủ tướng cho biết, Việt Nam cần học từ thiết kế, mô hình mô phỏng, chế tạo, kiểm chuẩn, đo đếm. Nếu cần thiết, nhà nước sẵn sàng đầu tư từ nguồn sự nghiệp khoa học công nghệ. Trong ngành vi mạch, Phó thủ tướng cho rằng muốn đi xa không chỉ dừng lại ở việc cầm tay chỉ việc mà cần có các nghiên cứu cơ bản và hiểu công nghệ lõi, biết cách học hỏi chuyển giao và phải hiểu bản chất công nghệ.
Để làm được điều này, ông cho rằng thời gian tới Luật khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo cần được điều chỉnh, có cơ chế các trường đại học là nơi khởi nghiệp, nghiên cứu cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực sau đại học trong lĩnh vực vi mạch. Tuy nhiên, ông cho rằng cần bao nhiêu nhân lực vi mạch không phải xuất phát từ đào tạo mà từ cung - cầu. Do đó, cần thiết có các chủ trương thu hút doanh nghiệp các ngành nghề, khuyến khích họ tham gia vào hệ sinh thái ngành vi mạch.
Ông cho rằng, với nguồn nhân lực trong nước có thể làm công đoạn thiết kế ban đầu, học hỏi từ mô hình cụ thể ở vươn ươm sau đó sáng tạo đổi mới để làm chủ công nghệ với tư duy "đi sau nhưng tìm ra hướng đi khác để đón đầu".
Phó thủ tướng khẳng định, Chính phủ cam kết cùng TP HCM lắng nghe doanh nghiệp, nhà khoa học, giảng viên... kết nối 70.000 doanh nghiệp chuyển đổi số, hoạt động lĩnh vực điện tử để tạo ra nhu cầu, sự phát triển cho ngành vi mạch bán dẫn. "Một quốc gia không có ngành vi mạch bán dẫn mạnh nếu không có đội ngũ tri thức, con người am hiểu và có đầy đủ kiến thức về các lĩnh vực này", ông nói.
Ông nhìn nhận, ngành vi mạch tại Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đầu tư vào công nghệ này vì nhiều quốc gia đi trước họ đã chi nhiều tỷ USD. Tuy nhiên, TP HCM chọn hướng đi khai thác nguồn tài nguyên là trí tuệ con người, huy động nguồn lực thu hút nhân tài để phát triển vi mạch là hướng đi rất đúng đắn. "Đào tạo nhân lực là bước đầu tiên cần làm", Phó thủ tướng nói và cho rằng đây là yếu tố dẫn dắt cuộc chơi ngành vi mạch.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP HCM, cho phép thành phố thí điểm chính sách phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ưu đãi nhà đầu tư chiến lược... Với các chính sách này, chính quyền TP HCM tiếp tục nghiên cứu phát triển hơn nữa hạ tầng khoa học công nghệ, thêm cơ sở vật chất phục vụ cho các ngành công nghệ cao, trong đó có vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, thành phố thí điểm mô hình sandbox (thử nghiệm chính sách) để vừa thúc đẩy hoạt động ngành khoa học công nghệ tại TP HCM vừa là cơ sở nhân rộng quy mô lớn hơn thời gian tới. "Thành phố cam kết sẽ trở thành trung tâm phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia, mang tầm cạnh tranh khu vực và quốc tế", ông Mãi nói.
Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn (ESC) do Khu công nghệ cao TP HCM phối hợp với Tập đoàn Sun Electronics và Synopsis thành lập trên cơ sở hợp nhất trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch (SCDC) thành lập tháng 8/2022 và Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (IETC) hoạt động hồi tháng 3. Theo Khu công nghệ cao TP HCM, việc hợp nhất hai tổ chức này nhằm mở rộng hợp tác thành một đơn vị đào tạo vi mạch có quy mô đủ lớn có thể đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư lớn và tạo điều kiện để thu hút các chương trình hợp tác quốc tế có quy mô lớn hơn trong tương lai. Ngoài ra ESC sẽ là đơn vị tổ chức chương trình ươm tạo vi mạch nhằm hướng đến hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp thiết kế vi mạch trong nước.
Gần 2 tháng trước, Đại học Quốc gia TP HCM công bố xây dựng chương trình đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trong 5 năm, góp phần tăng nhân sự ngành này cả nước.
Hà An