Hiểm họa từ các loài ngoại lai xâm lấn

Hàng chục nghìn sinh vật ngoại lai đang gây tổn thất hơn 400 tỷ USD mỗi năm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái trên thế giới.


Các loài xâm lấn phá hoại mùa màng, rừng cây, làm lây lan dịch bệnh và đảo lộn hệ sinh thái đang lan rộng với tốc độ nhanh chưa từng thấy trên toàn cầu và con người vẫn chưa thể ngăn chặn làn sóng này, theo bản đánh giá khoa học sâu rộng của ban cố vấn khoa học liên chính phủ cho Công ước về Đa dạng sinh học (IPBES) của Liên Hợp Quốc công bố hôm 4/9. Điều này gây thiệt hại và mất thu nhập hơn 400 tỷ USD mỗi năm, tương đương với GDP của Đan Mạch hoặc Thái Lan, và đó vẫn có thể là một sự đánh giá thấp, theo AFP.


Bản đánh giá liệt kê hơn 37.000 loài ngoại lai xuất hiện ở những nơi cách xa quê hương của chúng. Con số này đang có xu hướng tăng mạnh, và tính trung bình, mức thiệt hại cũng tăng gấp 4 lần mỗi thập kỷ kể từ năm 1970.


Phát triển kinh tế, tăng trưởng dân số và biến đổi khí hậu sẽ làm tăng tần suất và quy mô của các cuộc xâm lấn sinh học, đồng thời làm tăng ảnh hưởng của các loài ngoại lai xâm lấn, bản đánh giá cho biết. Hiện chỉ 17% quốc gia có các luật hoặc quy định để quản lý cuộc xâm lấn này. Sự lan rộng của các loài vật là bằng chứng rõ ràng cho thấy hoạt động của con người đã làm thay đổi các hệ thống tự nhiên nhiều đến mức đẩy Trái Đất vào một kỷ nguyên địa chất mới, Anthropocene.


Nhiều loài xâm lấn do con người cố tình đưa tới. Ví dụ, bèo lục bình được cho là do các quan chức Bỉ ở Rwanda, Đông Phi, mang đến như một loại hoa trang trí trong vườn. Chúng xâm nhập vào sông Kagera những năm 1980 và có thời điểm bao phủ 90% hồ Victoria. Chúng cản trở giao thông, làm ngạt sinh vật thủy sinh, cản trở đập thủy điện hoạt động và tạo điều kiện cho muỗi sinh sản.


Vùng đất ngập nước Everglades ở bang Florida, Mỹ, đang vật lộn những con trăn Miến Điện xâm lấn dài 5 m, cá trê trắng, dương xỉ Lygodium microphyllum và cây tiêu Brazil. Chúng là "hậu duệ" của những vật nuôi và cây cảnh được đưa đến đây.


Thế kỷ 19, thỏ được mang tới Australia và New Zealand để phục vụ cho hoạt động săn bắn và làm thức ăn. Tuy nhiên, chúng nhanh chóng sinh sôi, ăn các loài thực vật địa phương, gây suy thoái môi trường sống và đe dọa đến sự tồn tại của nhiều loài bản địa.


Tuy nhiên, các loài xâm lấn thường đến vùng đất mới một cách tình cờ, ví dụ "quá giang" trên tàu chở hàng. Biển Địa Trung Hải có nhiều loài cá và thực vật không bản địa như cá sư tử và cỏ biển Caulerpa, di chuyển từ Biển Đỏ qua kênh đào Suez.


Châu Âu và Bắc Mỹ có mật độ các loài xâm lấn cao nhất thế giới, theo báo cáo mới của IPBES. Một nguyên nhân lớn dẫn đến điều này là khối lượng giao dịch thương mại tại đây rất lớn.


Tại Việt Nam, năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành Thông tư quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại gồm 19 loài và Danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại gồm 61 loài.


19 loài ngoại lai xâm hại chia thành 6 nhóm là vi sinh vật (virus gây bệnh cúm gia cầm...), động vật không xương sống (ốc bươu vàng...), cá (cá ăn muỗi...), lưỡng cư - bò sát (rùa tai đỏ), chim - thú (hải ly Nam Mỹ), thực vật (bèo lục bình...). Danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại gồm 61 loài thuộc 5 nhóm là động vật không xương sống (bướm trắng Mỹ, cua xanh...), cá (cá chim trắng toàn thân, cá hổ...), lưỡng cư - bò sát (ếch ương beo, rắn nâu leo cây...), chim - thú (chồn ecmin, sóc nâu...) và thực vật (bèo tai chuột lớn, cây cúc leo...).


Bản báo cáo của IPBES hôm 4/9 cho thấy, sinh vật xâm lấn là nguyên nhân quan trọng góp phần dẫn đến 60% các vụ tuyệt chủng động thực vật được ghi nhận. Các nguyên nhân khác gồm mất môi trường sống, hiện tượng nóng lên toàn cầu và ô nhiễm.


Những yếu tố này cũng tương tác với nhau. Biến đổi khí hậu đẩy các loài ngoại lai đến những vùng nước hoặc vùng đất mới ấm lên. Sinh vật bản địa tại đó thường dễ bị tổn thương trước những kẻ xâm nhập mà chúng chưa từng gặp. Tháng trước, thảm họa cháy rừng chết chóc xảy ra ở thị trấn Lahaina, đảo Maui, Hawaii, một phần do cỏ xâm lấn được đưa đến cách đây nhiều thập kỷ để nuôi gia súc và giờ đã lan rộng.


Một hiệp ước quốc tế nhằm bảo vệ đa dạng sinh học ký kết ở Montreal vào tháng 12 năm ngoái đặt mục tiêu giảm một nửa tốc độ lan rộng của các loài ngoại lai xâm lấn vào năm 2030. Báo cáo của IPBES đưa ra các chiến lược chung để đạt được mục tiêu này, nhưng không đánh giá về khả năng thành công. Về cơ bản, có 3 tuyến phòng thủ là ngăn ngừa, tiêu diệt và kiểm soát/hạn chế nếu các tuyến trước thất bại.


Thu Thảo (Tổng hợp)









Hiem hoa tu cac loai ngoai lai xam lan


Hang chuc nghin sinh vat ngoai lai dang gay ton that hon 400 ty USD moi nam va anh huong nghiem trong den cac he sinh thai tren the gioi.

Hiểm họa từ các loài ngoại lai xâm lấn

Hàng chục nghìn sinh vật ngoại lai đang gây tổn thất hơn 400 tỷ USD mỗi năm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái trên thế giới.
Hiểm họa từ các loài ngoại lai xâm lấn
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: