Ngày 23/8, tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thành công hạ cánh mềm lên cực nam của Mặt Trăng trong một sứ mệnh lịch sử, được cả thế giới dõi theo.
Cuộc đổ bộ thành công đã nâng tầm vị thế của Ấn Độ trong cuộc đua vũ trụ, đưa họ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới có phương tiện hạ cánh xuống Mặt Trăng.
Dù mang lại ý nghĩa to lớn cho Ấn Độ, song sứ mệnh Chandrayaan-3 vẫn chưa tạo ra bước ngoặt đủ lớn như nhiều sứ mệnh du hành vũ trụ khác mà nhân loại từng đạt được.
Dưới đây là 5 cột mốc đáng chú ý nhất trong lịch sử ngành thám hiểm không gian, vũ trụ, mà chúng ta luôn cảm thấy tự hào khi nhắc tới.
1. Vệ tinh đầu tiên hoạt động ngoài không gian
Ngày 4/10/1957, Sputnik 1 trở thành vệ tinh đầu tiên được con người phóng lên không gian, mở đầu cho kỷ nguyên vũ trụ của nhân loại.
Việc phóng Sputnik vào năm 1957 không chỉ báo hiệu sự dẫn đầu về mặt kỹ thuật của Liên Xô trong một lĩnh vực mới, mà còn cho thấy khả năng và mức độ phát triển của ngành sản xuất tên lửa tại Liên Xô.
Nhờ cách tiếp cận công nghệ tối giản nhưng tinh vi, Liên Xô biến thành tựu của họ trở thành nguồn động lực lớn lao cho rất nhiều sứ mệnh sau này, bao gồm những chuyến bay có người lái ngoài vũ trụ, triển khai trạm không gian...
Theo Tổ chức Các vấn đề ngoài vũ trụ (UNOOSA), tính đến cuối tháng 6/2023, ước tính có khoảng 11.330 vệ tinh riêng lẻ quay xung quanh Trái Đất.
2. Người đầu tiên bay vào vũ trụ
Ngày 12/4/1961, nhà du hành vũ trụ Yury Gagarin đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ trên con tàu Phương Đông 1 (Vostok 1). Con tàu thực hiện quỹ đạo bay xung quanh Trái Đất, kéo dài 1 giờ 29 phút, trước khi hạ cánh an toàn.
Gagarin trở thành người nổi tiếng trên toàn thế giới, và được trao tặng rất nhiều huân chương, cùng các danh hiệu cao quý. Nổi bật trong đó là danh hiệu Anh hùng Liên bang Xô-viết.
Mặc dù có một cuộc đời nhiều thăng trầm, cùng cái chết bí ẩn ở tuổi 34, song Yuri Gagarin vẫn mãi là cái tên đáng nhớ của lịch sử ngành hàng không, vũ trụ nói chung, và được coi là hiện thân cho sức mạnh quốc gia, là niềm tự hào dân tộc của Liên Xô cũ nói riêng.
3. Cuộc đổ bộ Mặt Trăng của nhân loại
Chuyến bay của tàu vũ trụ Apollo 11, thực hiện ngày 20/7/1969, đã đạt được mục tiêu lần đầu tiên đưa con người đặt chân lên Mặt Trăng.
Trong đó, Neil Armstrong là người vinh dự được đi vào lịch sử nhân loại. Đây được cho là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong hành trình khám phá không gian của thế kỷ 20.
Câu nói lịch sử mà Armstrong thốt lên sau khi đặt bước chân đầu tiên xuống mặt trăng: "Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại".
4. Triển khai kính viễn vọng Không gian Hubble
Ngày 25/4/1990, kính viễn vọng không gian Hubble, đặt theo tên của Edwin Powell Hubble, được các thành viên phi hành đoàn của tàu con thoi Discovery đưa vào quỹ đạo.
Kính viễn vọng Hubble là đài quan sát quang học phức tạp nhất từng quay quanh Trái Đất. Nó mang theo nhiều trang thiết bị khoa học và camera để phân tích dữ liệu và chụp lại những hình ảnh của vũ trụ.
Những bức ảnh mà nó thu thập được đã đóng vai trò then chốt trong việc cách mạng hóa lĩnh vực thiên văn học, cũng như đưa những hiểu biết của con người về vũ trụ lên một tầm cao mới.
5. Tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên
Ngày 21/6/2004, tàu SpaceShipOne do công ty Scaled Composites (Mỹ) thiết kế và phát triển, đã trở thành tàu tư nhân đầu tiên có người lái vượt lên ranh giới của không gian.
Con tàu sử dụng động cơ tên lửa lai, có thể đạt vận tốc 3.300 km/h, mang theo 3 người, đạt đến độ cao 112 km, qua đó phá vỡ kỷ lục về độ cao cận quỹ đạo do tên lửa X-15 thực hiện 41 năm trước đó.
Chuyến bay được cho là đã mở ra một chân trời mới trong lĩnh vực du lịch vũ trụ thương mại. Sự tiên phong của Scaled Composites đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho hàng loạt công ty tư nhân của Mỹ trong theo đuổi lĩnh vực vô cùng đắt đỏ.
Ngày nay, các công ty như Blue Origin, SpaceX, Virgin Galactic... đã cùng nhau vẽ nên bức tranh về làn sóng cuộc đua vào vũ trụ của những tỷ phú hàng đầu thế giới.