Trạm đổ bộ Vikram và robot tự hành Pragyan của tàu Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống gần cực nam Mặt Trăng hôm 23/8 và bắt đầu hoạt động không lâu sau đó. Ngày 27/8, robot tự hành Pragyan của tàu Chandrayaan-3 bắt gặp một hố trũng đường kính 4 m ở vị trí cách phía trước 3 m, khiến nó phải thay đổi đường đi.
"Robot được lệnh lùi lại. Giờ nó đang đi trên một lộ trình mới an toàn", Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết. Đây là hố trũng thứ hai mà Pragyan bắt gặp. Trước đó, nó đã vượt qua một hố trũng nhỏ với độ sâu khoảng 10 cm, ISRO hôm 28/8 cho biết.
"Hố trũng mà robot vượt qua đầu tiên thuộc loại nhỏ. Lần này là chiếc hố lớn hơn nhiều nên quyết định được đưa ra là tránh đi và chọn một con đường khác an toàn", một nhà khoa học cấp cao cho biết.
Hoạt động của Pragyan trên Mặt Trăng là bán tự động và các trạm dưới mặt đất cần gửi lệnh cho robot di chuyển. Sự di chuyển của Pragyan gặp nhiều thách thức, mỗi thách thức đều cần được giải quyết, theo P. Veeramuthuvel, chuyên gia tại ISRO. "Việc di chuyển robot từ điểm A đến B gồm nhiều bước. Với mỗi lộ trình, dữ liệu từ camera điều hướng của robot được truyền xuống mặt đất để tạo Mô hình độ cao kỹ thuật số (DEM). Sau đó các chuyên gia sẽ quyết định đường đi và gửi lệnh để robot di chuyển theo", ông giải thích.
Giống như mắt người chỉ có thể nhìn thấy một khoảng cách nhất định, robot cũng có những hạn chế, theo Veeramuthuvel. "DEM tối đa tạo được mỗi lần camera điều hướng gửi hình ảnh về chỉ là 5 m, nghĩa là mỗi khi robot nhận lệnh di chuyển, nó có thể đi tối đa 5 m. Thậm chí ở mức đó, vẫn có những vấn đề về chướng ngại vật", Veeramuthuvel nói.
Robot đã thực hiện nhiều đợt di chuyển tính đến hôm 27/8. "Pragyan không phải robot tự hành cỡ lớn. Với nguồn lực hạn chế, chúng tôi đã triển khai các hệ thống nhỏ gọn hiện đại. Nhưng có những hạn chế như không thể thực hiện các phép đo và liên lạc từ xa 24/7, phải theo dõi Mặt Trời liên tục. Do đó, thời gian quay vòng giữa mỗi hoạt động di chuyển là khoảng 5 tiếng", Veeramuthuvel bổ sung.
Mặt Trời không đứng yên tại chỗ. Mỗi ngày có sự xoay 12 độ và điều này cần được tính đến vì khác với trạm đổ bộ có pin Mặt Trời bao phủ 3 mặt, robot trang bị tấm pin Mặt Trời có thể mở ra và gấp lại, trong đó một mặt phủ kín các tế bào pin Mặt Trời, mặt kia chỉ phủ một nửa", ông giải thích. Robot mang theo thiết bị đo từ xa, thiết bị viễn thông, bộ lưu trữ xử lý dữ liệu và nhiều thiết bị khác nên năng lượng đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
"Tốc độ dữ liệu cũng bị hạn chế vì robot chỉ có thể liên lạc với trạm đổ bộ, từ đó, chúng tôi sẽ phải tải dữ liệu xuống mặt đất. Điều này cũng tốn thời gian vì chúng tôi cần xem xét dữ liệu từ các dụng cụ khoa học. Vì vậy, mỗi chuyển động của robot đều được lên kế hoạch tỉ mỉ và chúng tôi tin rằng công việc trên đó đang diễn ra tốt đẹp", Veeramuthuvel chia sẻ.
Robot tự hành Pragyan nặng 26 kg. Nó mang theo các thiết bị laser và chùm hạt alpha để nghiên cứu thành phần của cực nam Mặt Trăng. Nó cũng sẽ sử dụng các dụng cụ khoa học mang tên RAMBHA và ILSA để nghiên cứu khí quyển, đồng thời đào mẫu vật để phân tích thêm về thành phần của bề mặt Mặt Trăng. Các tia laser của robot sẽ thử làm tan chảy một mẫu vật nhằm phân tích các khí tỏa ra, giúp tìm hiểu về cấu tạo hóa học của cực nam Mặt Trăng, theoTimes of India.
Thu Thảo (Theo Times of India)