Đề xuất nghiên cứu sâu về tai biến lở đất Tây Nguyên và ĐBSCL

Các nhà khoa học Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đề xuất các nghiên cứu chuyên sâu nhằm giảm thiểu nguy cơ tai biến trượt lở đất hai khu vực Tây Nguyên và ĐBSCL.


Thông tin được PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Chủ tịch Hội đồng các ngành khoa học Trái Đất nêu tại hội thảo "Đánh giá tình hình thiên tai khu vực Tây Nguyên, ĐBSCL và lãnh thổ Việt Nam, đề xuất các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại", tổ chức sáng 29/8 tại Hà Nội.


PGS Tuấn Anh cho rằng, cần có các nghiên cứu chuyên sâu giai đoạn 2025 - 2030. Trước mắt tập trung nghiên cứu phương pháp công nghệ giám sát, cảnh báo sớm tai biến địa chất trên diện và điểm phù hợp với điều kiện khu vực Tây Nguyên và ĐBSCL. Nghiên cứu điều kiện địa kỹ thuật đô thị và khu dân cư trọng điểm phục vụ giảm thiểu thiệt hại do tai biến địa chất hai khu vực này.


Đề xuất này dựa trên kết quả khảo sát từ ngày 15-22/8, do Viện Hàn lâm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhằm đánh giá nguyên nhân, cơ chế ban đầu đối với các tai biến trượt lở, nứt đất xảy ra trong tháng 7, 8/2023 tại các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông.


Tại ĐBSCL, từ nhiều năm qua, hiện tượng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy mô.


Các chuyên gia, nhà khoa đã dựa trên các dữ liệu về địa chất, lượng mưa, dữ liệu bay chụp UAV tại một số vị trí khảo sát, dữ liệu ảnh vệ tinh... thấy nhiều khối trượt vẫn còn phát triển. Trượt tốc độ chậm, trên diện rộng, quy mô lớn và diễn biến phức tạp.


Tại ĐBSCL, hiện tượng sạt lở sông, biển liên quan trực tiếp đến nhiều yếu tố tự nhiên như địa hình, địa mạo, thủy thạch động lực, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu... còn có yếu tố tác động từ phía con người trong các hoạt động dân sinh.


Theo PGS Phạm Huy Tiến, người có hơn 20 nghiên cứu về địa chất, thực tế các nghiên cứu trước đó đã được thực hiện ở quy mô quốc gia, vùng... nhưng mang tính bao quát hiện trạng. Thế nhưng, tai biến địa chất ở mỗi khu vực khác nhau và biến động theo thời gian. Theo đó, ông Tiến cũng đề nghị cần có các nghiên cứu thường xuyên, hình thành các đề án liên ngành để việc khai thác số liệu mang tính tổng thể. Ông cũng đề nghị đưa các công nghệ mới (quan trắc theo thời gian thực, trí tuệ nhân tạo...) ứng dụng vào các nhiệm vụ nghiên cứu để giải quyết cho từng vùng.


PGS. TS Vũ Cao Minh, chuyên gia trượt lở dẫn lại thực tế khi tham gia đoàn khảo sát. Ông cho biết "ngạc nhiên vì thấy tính chất các khu vực bị trượt lở khác hẳn. Đặc biệt, khu vực Hồ thủy lợi Đắk N’ting, huyện Đắk Glong, tỉnh Đăk Nông hay Hồ thủy lợi Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng và những khu dân cư những khu bị phá hủy rất lớn.


"Cơ chế trượt lở chưa hiểu rõ, có những diễn biến mới chưa hiểu hết", PGS Cao Minh nói và mong muốn có thêm nghiên cứu đột xuất cho vùng Nam Tây Nguyên, chuyên sâu về trượt lở.


Thực tế các nghiên cứu về tai biến, trượt lở đất được thực hiện nhiều năm qua. Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, các Chương trình KC.08 từ những năm đầu của thế kỷ, với tên gọi Chương trình Bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, được thực hiện qua nhiều giai đoạn. Các nghiên cứu này đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành, phát triển các tiếp cận, cơ sở phương pháp luận, hệ phương pháp nghiên cứu thiên tai, từ đó đưa ra nhiều đề xuất kiến nghị phục vụ sử dụng hợp lý lãnh thổ, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường.


Ông cũng đồng tình với đề xuất của các nhà khoa học "tai biến địa chất ngày càng trầm trọng và phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, an sinh xã hội". Vì vậy cần có các nghiên cứu chuyên sâu hơn, toàn diện, bao quát, liên tục và liên ngành. Cần bố trí kinh phí dự phòng cho các nhiệm vụ đột xuất.


Thứ trưởng cũng mong muốn các bộ, ngành, Ban quản lý chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu chủ động đặt hàng, các nhà khoa học đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tai biến thiên nhiên tại vùng ĐBSCL và Tây Nguyên và trên toàn lãnh thổ Việt Nam.


Chương trình KC08 giai đoạn 2001 - 2005:


- Lần đầu tiên ở Việt Nam có bộ bản đồ phân vùng tai biến tự nhiên cho 10 loại hình quan trọng tỷ lệ 1:1.000.000 gồm (bão, hạn hán, lũ lụt, trượt lở, lũ quét - lũ bùn đá, xói lở bờ sông, xói lở - bồi tụ bờ biển, tai biến tự nhiên các hệ sinh thái, động đất, nứt đất và tai biến tự nhiên tổng hợp.


- Xuất bản 10 bản đồ thiên tai chính lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền) tỉ lệ 1:1.000.000.


Các bản đồ này là cơ sở để quản lý tai biến thiên tai trên tầm vĩ mô (quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội - môi trường; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, phân bố dân cư; quản lý phòng chống tai biến thiên tai).


Hải Minh









De xuat nghien cuu sau ve tai bien lo dat Tay Nguyen va DBSCL


Cac nha khoa hoc Vien Han lam khoa hoc va Cong nghe Viet Nam de xuat cac nghien cuu chuyen sau nham giam thieu nguy co tai bien truot lo dat hai khu vuc Tay Nguyen va DBSCL.

Đề xuất nghiên cứu sâu về tai biến lở đất Tây Nguyên và ĐBSCL

Các nhà khoa học Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đề xuất các nghiên cứu chuyên sâu nhằm giảm thiểu nguy cơ tai biến trượt lở đất hai khu vực Tây Nguyên và ĐBSCL.
Đề xuất nghiên cứu sâu về tai biến lở đất Tây Nguyên và ĐBSCL
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: