Tàu Aditya-L1, đài quan sát không gian chuyên nghiên cứu Mặt Trời đầu tiên của Ấn Độ, đang sẵn sàng để phóng tại sân bay vũ trụ chính của nước này ở Sriharikota, theo Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO). "Chúng tôi dự định phóng vào tuần đầu tiên của tháng 9", Reuters hôm 26/8 dẫn lời của S. Somanath, chủ tịch ISRO.
Được đặt tên theo từ "Mặt Trời" trong tiếng Hindi, Aditya-L1 có nhiệm vụ nghiên cứu gió Mặt Trời, hiện tượng có thể tác động đến Trái Đất và thường khiến cực quang xuất hiện. Trong dài hạn, dữ liệu từ con tàu có thể giúp giới chuyên gia hiểu rõ hơn về tác động của Mặt Trời đến các kiểu khí hậu trên Trái Đất. Tàu vũ trụ Solar Orbiter của NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) gần đây cũng phát hiện những luồng hạt tích điện tương đối nhỏ, thỉnh thoảng phóng ra từ vành nhật hoa - lớp khí quyển ngoài của Mặt Trời - có thể giúp làm sáng tỏ nguồn gốc của gió Mặt Trời.
Tên lửa phóng hạng nặng của Ấn Độ, PSLV, sẽ đưa tàu vũ trụ Aditya-L1 phóng lên không gian. Con tàu dự kiến bay 1,5 triệu km trong khoảng 4 tháng, tới quỹ đạo quanh điểm Lagrange 1 (L1). Các điểm Lagrange là những nơi mà vật thể bay đến đó có xu hướng đứng yên do sự cân bằng lực hấp dẫn, giúp tàu vũ trụ tiết kiệm nhiên liệu. Điểm Lagrange được đặt tên theo nhà toán học Joseph-Louis Lagrange.
Năm 2019, chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt số tiền tương đương khoảng 46 triệu USD cho Aditya-L1. ISRO hiện chưa đưa ra cập nhật chính thức về chi phí. Tuy nhiên, Ấn Độ nổi tiếng về khả năng cạnh tranh chi phí vượt trội trong kỹ thuật không gian. Các nhà điều hành và nhà lập kế hoạch kỳ vọng khả năng này sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ đang được tư nhân hóa của Ấn Độ. Nhiệm vụ Chandrayaan-3, đưa tàu vũ trụ đáp xuống gần cực nam Mặt Trăng, có chi phí chỉ khoảng 75 triệu USD.
Thu Thảo (Theo Reuters)