Sẽ giải bài toán “có tiền mà không đầu tư được” cho Quỹ Viễn thông công ích

Quỹ Viễn thông công ích là tiền đóng góp từ doanh thu của doanh nghiệp nhưng thực hiện cơ chế chi như từ nguồn ngân sách. Điều này khiến Qũy gặp khó khăn trong đầu tư dịch vụ viễn thông thiết yếu cho vùng sâu, vùng xa.


Quỹ Viễn thông công ích cần giải bài toán cơ chế


Ông Trần Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ Viễn thông công ích (Bộ TT&TT) cho biết, mục tiêu hoạt động của Quỹ là để tách biệt rõ giữa hoạt động kinh doanh với trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ phổ cập dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông. Quỹ đã cung cấp dịch vụ viễn thông công ích gồm dịch vụ điện thoại và dịch vụ Internet cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế xã hội khó khăn ở 203 huyện, 904 xã (ngoài 203 huyện trên) và 41 đảo.


Cho đến thời điểm này, các vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn cơ bản đã hoàn thành phủ sóng 2G, 3G nhưng vẫn cần tiếp tục triển khai hạ tầng truyền dẫn cáp quang băng rộng, phủ sóng 4G, 5G để hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng thành hạ tầng của nền kinh tế - xã hội phục vụ mục tiêu chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số, xã hội số, đặc biệt tại những khu vực doanh nghiệp không muốn đầu tư do không đủ bù đắp chi phí.


Bên cạnh đó, hơn 4.600 km đường bộ thuộc khu vực biên giới cần được hỗ trợ thiết lập trạm phát sóng di động mặt đất để bảo đảm quốc phòng - an ninh và 6.786 thôn chưa có mạng truy nhập băng rộng cố định mặt đất (trong số này, có tới 4.687 thôn thuộc các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo). Hiện còn 2.418 thôn chưa có trạm phát sóng di động mặt đất (gồm 1.481 thôn thuộc địa bàn xã điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo).


Ngoài việc đầu tư trên, Quỹ sẽ hỗ trợ sử dụng dịch vụ thông tin di động mặt đất cho các thuê bao là hộ nghèo, hộ cận nghèo: khoảng 1,9 triệu đối tượng và hỗ trợ thiết bị đầu cuối như máy tính bảng, điện thoại thông minh cho các hộ nghèo/hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội, đối tượng chính sách đặc biệt khác để có thể sử dụng dịch vụ viễn thông.


Vấn đề đang vướng mắc: Quỹ Viễn thông công ích là tiền đóng góp từ doanh thu của doanh nghiệp nhưng thực hiện cơ chế chi như từ nguồn ngân sách .Điều này khiến quỹ gặp khó khăn trong đầu tư cho các chương trình trên.


Theo ông Trần Duy Hiếu, chương trình viễn thông công ích hỗ trợ cho cả giai đoạn; nhưng để xây dựng các nội dung hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông thì cần khảo sát hiện trạng mạng viễn thông, dự báo xu hướng phát triển và nhu cầu hỗ trợ; các thủ tục cần nhiều thời gian như đối với các dự án đầu tư công, nên chương trình thường được phê duyệt chậm hơn so với thời điểm bắt đầu của giai đoạn, trong khi việc thực hiện, tổng kết, quyết toán thường bị chậm so với thời điểm kết thúc. Các chương trình không liên tục dẫn đến chính sách viễn thông công ích bị gián đoạn, mà dịch vụ viễn thông có đặc tính liên tục. Do đó, phải có những chính sách chuyển tiếp giữa các chương trình cho nội dung hỗ trợ về dịch vụ viễn thông công ích.


Hơn nữa, tổng nguồn thu của Quỹ Viễn thông công ích lớn, trong khi chi giải ngân cho các nhiệm vụ, dự án của các chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông thấp hơn kế hoạch, dẫn đến tồn quỹ lớn.


Đại diện Quỹ Viễn thông công ích cũng đưa ra dẫn chứng: Trong chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, có 8/22 nhiệm vụ không thực hiện được, gồm các nhiệm vụ về hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông - đây là những nhiệm vụ có kinh phí dự kiến chiếm tỉ trọng lớn kinh phí của của chương trình; điều này đã dẫn đến tồn quỹ.


Cụ thể, Quỹ đã không thực hiện được chương trình hỗ trợ đầu tư thiết lập hệ thống truyền dẫn băng rộng đến các xã chưa có kết nối truyền dẫn băng rộng và hỗ trợ thiết lập mạng truy nhập băng rộng cố định tại các xã chưa có mạng truy nhập băng rộng cố định. Ngoài ra, Quỹ Viễn thông công ích cũng chưa hỗ trợ triển khai các giải pháp tăng cường bảo đảm liên lạc an toàn, tin cậy trong thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông cho cộng đồng và điều hành của chính quyền các cấp và hỗ trợ kết nối Internet băng rộng cho các trường học, bệnh viện, UBND cấp xã. Quỹ cũng chưa hỗ trợ thiết lập cổng thông tin điện tử của UBND các cấp và dịch vụ công trực tuyến trên cổng phục vụ người dân, tập trung cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.


Việc xây dựng hệ thống chính sách hướng dẫn thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích còn chậm, chưa đầy đủ gây lúng túng cho các đơn vị thực hiện và chậm triển khai các nhiệm vụ của chương trình. Vai trò của địa phương trong tham gia thực hiện các chương trình chưa phù hợp tình hình thực tế, không đảm bảo hài hòa giữa trách nhiệm và điều kiện nguồn lực của địa phương nên việc tham gia của các địa phương rất hạn chế, nhất là công tác kế hoạch, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình tại địa phương” đại diện Quỹ Viễn thông công ích nói.


Trong chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, có 8/22 nhiệm vụ không thực hiện được.

Sẽ giải bài toán cơ chế trong Luật Viễn thông


Trình bày tờ trình dự thảo luật Viễn thông sửa đổi mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, dự luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, huy động các thành phần kinh tế có đủ năng lực tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia.


Việc xây dựng dự luật còn nhằm khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và quy định có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển; bổ sung quy định đối với những nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số…


Dự thảo luật kế thừa các quy định hiện hành về việc duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Một trong những lý do duy trì quỹ này là để đảm bảo nguồn kinh phí phát triển và duy trì hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà ngân sách nhà nước khó đảm đương.


Hơn nữa về bản chất, thông qua cơ chế đóng góp và sử dụng nguồn tài chính từ quỹ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng được hưởng lợi, doanh thu sẽ tăng khi đời sống của người dân ở vùng sâu vùng xa được cải thiện, nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông của người dân ngày càng cao.


Để khắc phục những bất cập của việc triển khai hoạt động của quỹ trong giai đoạn trước, các chương trình viễn thông công ích giai đoạn sau sẽ xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của quỹ, quy định về đóng góp và giải ngân thực hiện theo nguyên tắc thu và chi tương ứng, chưa có nhiệm vụ chi thì không thu để tránh tồn dư quỹ.









Se giai bai toan “co tien ma khong dau tu duoc” cho Quy Vien thong cong ich


Quy Vien thong cong ich la tien dong gop tu doanh thu cua doanh nghiep nhung thuc hien co che chi nhu tu nguon ngan sach. Dieu nay khien Quy gap kho khan trong dau tu dich vu vien thong thiet yeu cho vung sau, vung xa.

Sẽ giải bài toán “có tiền mà không đầu tư được” cho Quỹ Viễn thông công ích

Quỹ Viễn thông công ích là tiền đóng góp từ doanh thu của doanh nghiệp nhưng thực hiện cơ chế chi như từ nguồn ngân sách. Điều này khiến Qũy gặp khó khăn trong đầu tư dịch vụ viễn thông thiết yếu cho vùng sâu, vùng xa.
Sẽ giải bài toán “có tiền mà không đầu tư được” cho Quỹ Viễn thông công ích
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: