Đoàn thám hiểm của các nhà khoa học tình cờ tìm thấy khu rừng dưới lòng đất ở một công viên địa chất hồi tháng 5 năm ngoái, Mail hôm 21/8 đưa tin. Công viên địa chất toàn cầu Leye Fengshan, nơi hố sụt tọa lạc, nằm ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, tây nam Trung Quốc. Theo UNESCO, công viên địa chất chủ yếu là trầm tích với hơn 60% lớp đá thuộc kỷ Devon và Permi. Đây cũng là vùng đất của những hang động và cây cầu tự nhiên dài nhất thế giới.
Theo các nhà nghiên cứu, khu rừng nguyên sinh có thể chứa nhiều loài động thực vật chưa từng được xác định. Hố sụt khổng lồ không hiếm gặp ở những khu vực như thế này tại Trung Quốc. Phát hiện nâng số hố sụt trong vùng lên 30.
Zhang Yuanhai, kỹ sư ở Viện địa chất đá vôi thuộc Cục khảo sát địa chất Trung Quốc, cho biết khu rừng được bảo tồn nguyên vẹn và có 3 hang động ở thành hố. Hố sụt này dài 306 m, rộng 150 m và sâu 192 m. Thể tích của nó lên tới hơn 5 triệu m3, thuộc hàng hố sụt lớn.
Chen Lixin, người đứng đầu đội thám hiểm hang động Quảng Tây 702, chia sẻ cây cối mọc rậm rạp bên trong hố và những cây cổ đại mọc ở đáy hố cao tới gần 40 m. Để tiến hành chuyến thám hiểm, họ trèo xuống độ sâu hơn 100 m và đi bộ vài giờ để tới miệng hố.
Công viên địa chất hình thành từ đá vôi, trong đó hố sụt ra đời do tầng đá nền bị nước ngầm hòa tan. Nhờ hình dáng miệng hố cho phép đủ ánh sáng lọt vào trong, khu rừng có thể tiếp tục phát triển.
An Khang (Theo Mail)