Bức ảnh được chụp khi phòng thí nghiệm trên quỹ đạo nằm ở độ cao 417 km phía trên Thái Bình Dương, theo Space. Tính đến ngày 16/8, số người tử vong do đám cháy ở Maui đã lên tới hơn 100. Không lâu sau khi xác nhận số liệu này, thống đốc Josh Green bày tỏ đau buồn trước tổn thất về sinh mạng. Sức tàn phá của thảm họa nêu bật hậu quả chết chóc của biến đổi khí hậu do con người gây ra và có thể nhìn thấy rõ từ vũ trụ.
Trong ảnh chụp của trạm ISS, thị trấn ven biển Lahaina nằm ở góc dưới bên trái. Lahaina là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đám cháy, gần như tất cả cơ sở hạ tầng bị thiêu rụi, bao gồm công trình tưởng niệm như nhà thờ Waiola và kỳ quan tự nhiên như cây đa 150 năm tuổi.
Các thiết bị quay quanh Trái Đất khác cũng khi lại thảm kịch, bao gồm vệ tinh Landsat 8 của NASA và tàu vũ trụ quan sát Trái Đất Sentinel-2 của châu Âu. Cả hai đều bay qua phía trên đám cháy ở quần đảo Hawaii hôm 8/8 và cung cấp hình ảnh của sự kiện chết chóc nhất trong lịch sử bang.
Tuy nhà chức trách chưa công bố nguyên nhân cụ thể gây ra đám cháy rừng, các chuyên gia bắt đầu đánh giá những yếu tố có khả năng cao nhất. Hôm 14/8, NASA tổ chức họp báo cho biết đồn điền bỏ hoang trên đảo cũng như cỏ xâm hại có thể góp phần vào đám cháy. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân không thể thiếu, theo Gavin Schmidt, giám đốc Viện nghiên cứu không gian Goddard của NASA.
Hôm 15/8, nhà chức trách địa phương thông báo đám cháy đã được kiểm soát 85% ở Lahaina và 100% ở nơi khác. Tuy nhiên, theo họ, khi đám cháy được kiểm soát 100%, điều đó không có nghĩa nó bị dập tắt hoàn toàn. Lính cứu hỏa đã quây quanh ngọn lửa bằng rào ngăn và ở bên trong nó vẫn có thể đang cháy. Khi họ tuyên bố dập tắt ngọn lửa, không có thứ gì còn bốc cháy. Hàng nghìn người dân Hawaii buộc phải sơ tán do thảm họa và hơn 1.000 người vẫn đang mất tích.
An Khang (Theo Space)