Giải mã bí ẩn xác ướp Người băng 5.300 năm trên dãy Alps

Người băng Ötzi, xác ướp đông cứng được tìm thấy trên dãy Alps năm 1991, có thể là hài cốt được nghiên cứu kỹ nhất thế giới.


Bí ẩn quanh cái chết bạo lực của Ötzi, danh tính và lý do người đàn ông ở trên đỉnh núi thu hút nhiều sự chú ý. Mỗi năm, hàng nghìn người ghé thăm xác ướp bảo quản trong buồng lạnh của ông ở Bảo tàng Khảo cổ Nam Tyrol tại Bolzano, Italy. Trong nghiên cứu mới công bố hôm 16/8 trên tạp chí Cell Genomics, Albert Zink, giám đốc Viện nghiên cứu xác ướp tại trung tâm Eurac Research ở Bolzano, và cộng sự phân tích ADN cổ đại lấy từ xương chậu của Ötzi, giúp vén màn một số bí mật về người đàn ông sống cách đây 5.300 năm.


Kết quả phân tích cấu tạo gene hé lộ xác ướp hàng nghìn năm có nước da sẫm, đôi mắt tối màu và nhiều khả năng bị hói. Điều này trái ngược với hình ảnh phục dựng của Ötzi mô tả người đàn ông cổ đại với nước da nhợt nhạt, đầu đầy tóc và có râu. Theo Zink, trước đây giới nghiên cứu cho rằng nước da của ông trở nên sẫm màu do quá trình ướp xác. Tuy nhiên, dường như màu da của xác ướp khá gần với màu da tự nhiên của Người băng khi còn sống.


Đó không phải là thực tế bất ngờ bởi nhiều người châu Âu thời ấy có nước da sẫm màu hơn ngày nay. Theo thời gian, màu da của họ trở nên sáng hơn như một cách thích nghi với thay đổi khí hậu và chế độ ăn của nông dân. Các nông dân hấp thụ ít vitamin D trong chế độ hơn nhiều so với người săn bắt - hái lượm. Có vẻ như Người băng vẫn ăn khá nhiều thịt bởi nhóm nghiên cứu phát hiện thịt dê núi và hươu khi phân tích dạ dày của ông.


Trong khi phân tích ADN cổ đại chỉ ra Ötzi bị hói đầu, các nhà nghiên cứu không thể chắc chắn mức độ hói mà ông trải qua khi còn sống. Theo nhà khảo cổ Lars Holger Pilø, đồng giám đốc dự án Secrets of the Ice tại Na Uy, Ötzi có thể hói đầu vì lý do di truyền, nhưng tình trạng hói gần như hoàn toàn nhiều khả năng xảy ra sau khi ông chết. Tóc trên da thường rơi ra trong thời gian cơ thể nằm trong lớp băng khi biểu bì phân hủy.


Hệ gene giải trình tự từ ADN ở xương chậu của Ötzi hoàn chỉnh hơn hệ gene dựng lại năm 2012 nhờ những tiến bộ công nghệ. Khi nhóm nghiên cứu so sánh hệ gene mới với các quần thể người cổ đại khác, họ phát hiện ông có nhiều điểm chung với nông dân vùng Anatolia, ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Zink, Người băng có thể sống ở khu vực tương đối biệt lập và tiếp xúc hạn chế với quần thể dân cư khác.


Gần như mọi bộ phận của Ötzi và các đồ vật của ông đã được phân tích. Thành phần trong dạ dày cung cấp thông tin về bữa ăn cuối cùng của ông và ông đến từ đâu, vũ khí sót lại hé lộ ông thuận tay phải và quần áo trên xác ướp cho thấy người cổ đại thời đó mặc như thế nào. Ban đầu, giới nghiên cứu cho rằng Ötzi chết vì lạnh, nhưng hình ảnh X quang năm 2001 tiết lộ mũi tên ở vai có thể gây ra vết thương chí mạng. Ông cũng bị thương ở đầu và tay phải có vết thương do tự vệ. Nhóm của Zink hy vọng họ có thể tìm hiểu thêm nhiều chi tiết như cấu tạo hệ vi sinh vật của Người băng.


An Khang (Theo CNN)









Giai ma bi an xac uop Nguoi bang 5.300 nam tren day Alps


Nguoi bang Ötzi, xac uop dong cung duoc tim thay tren day Alps nam 1991, co the la hai cot duoc nghien cuu ky nhat the gioi.

Giải mã bí ẩn xác ướp Người băng 5.300 năm trên dãy Alps

Người băng Ötzi, xác ướp đông cứng được tìm thấy trên dãy Alps năm 1991, có thể là hài cốt được nghiên cứu kỹ nhất thế giới.
Giải mã bí ẩn xác ướp Người băng 5.300 năm trên dãy Alps
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: