Nhiệm vụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ phóng hôm 14/7 và đi vào quỹ đạo Mặt Trăng hôm 5/8. Con tàu đang hạ dần quỹ đạo để chuẩn bị cho nỗ lực hạ cánh dự kiến diễn ra ngày 23/8. Trong khi đó, Nga đang thực hiện chuyến thăm Mặt Trăng đầu tiên sau 47 năm. Tàu Luna-25 phóng hôm 10/8 và bay theo quỹ đạo trực tiếp hơn, có thể hạ cánh ngày 21/8. Hai nhiệm vụ này tạo thành một "cuộc đua" hạ cánh xuống vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất.
Tàu vũ trụ nào sẽ hạ cánh trước?
Một yếu tố quan trọng quyết định thời điểm các tàu vũ trụ hạ cánh là quỹ đạo của Mặt Trời. Mặt Trời phải xuất hiện phía trên các điểm hạ cánh vì ánh sáng Mặt Trời sẽ cung cấp năng lượng cho tàu vũ trụ. Một yếu tố khác là thời điểm mà hai con tàu, theo đúng quỹ đạo, bay qua phía trên điểm hạ cánh.
Chandrayaan-3 nhắm đến điểm hạ cánh có tọa độ 69,37 độ vĩ nam 32,35 độ kinh đông. Mặt Trời dự kiến mọc phía trên địa điểm này vào ngày 21/8, nghĩa là ánh sáng sẽ phù hợp với trạm đổ bộ Vikram và robot Pragyan của nhiệm vụ Chandrayaan-3 vào thời điểm hạ cánh dự kiến là 19h17 ngày 23/8 (giờ Hà Nội).
Luna-25 dự kiến đáp xuống hố trũng Boguslawsky với tọa độ 72,9 độ vĩ nam 43,2 độ kinh đông. Địa điểm này xa hơn về phía đông nên Mặt Trời cũng sẽ mọc sớm hơn so với địa điểm của Chandrayaan-3, đồng nghĩa Luna-25 có thể hạ cánh sớm hơn. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào quỹ đạo của Luna-25 và kế hoạch của Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos.
Vikram và Pragyan chạy bằng năng lượng Mặt Trời và có thời gian thực hiện nhiệm vụ là một ngày Mặt Trăng (bằng khoảng 14 ngày Trái Đất), vì vậy việc hạ cánh sớm sẽ rất quan trọng. Tuy nhiên, Luna-25 trang bị một máy phát nhiệt điện đồng vị phóng xạ (RTG) giúp cung cấp nhiệt và năng lượng cần thiết để giữ cho tàu đổ bộ hoạt động trong ít nhất một năm. Điều này khiến cho việc hạ cánh sớm có thể không phải là ưu tiên lớn.
Khả năng hạ cánh thành công
Mặt Trăng đang được nhiều tàu vũ trụ từ các nước khác nhau nhắm đến. Nhưng trong thế kỷ này, mới chỉ có Trung Quốc thành công đưa các tàu đổ bộ hạ cánh với các nhiệm vụ Hằng Nga 3, 4 và 5. Khác với các nhiệm vụ của Trung Quốc, hai nhiệm vụ mới của Ấn Độ và Nga nhắm tới khu vực gần cực nam Mặt Trăng.
Nhiệm vụ đáp xuống Mặt Trăng gần đây nhất của Nga là Luna-24, diễn ra từ năm 1976. Nhiệm vụ liên hành tinh mới nhất của Nga, Fobos-Grunt, nhằm thu thập mẫu vật từ mặt trăng Phobos của sao Hỏa, đã không thể ra khỏi quỹ đạo Trái Đất thấp vào năm 2011. Nhiệm vụ Luna-25 cũng bị trì hoãn tới hơn một thập kỷ.
Trong khi đó, tàu Mangalyaan của Ấn Độ đã tới quỹ đạo sao Hỏa thành công vào năm 2014 và kết thúc nhiệm vụ vào năm 2022 vì hết pin. Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết, họ đã có được bài học từ nỗ lực hạ cánh thất bại của tàu Chandrayaan-2 năm 2019.
Những nỗ lực đổ bộ Mặt Trăng gần đây của các công ty Israel và Nhật Bản không diễn ra suôn sẻ, cho thấy đây không phải nhiệm vụ dễ dàng. Cực nam Mặt Trăng thu hút sự quan tâm vì có thể tồn tại băng nước, có thể dùng làm nhiên liệu đẩy hoặc duy trì sự sống. Dù không chính xác ở cực nam, Ấn Độ và Nga dự định hạ cánh xa hơn về phía nam so với bất kỳ cuộc đổ bộ nào trước đây. Trong khi đó, hạ cánh gần xích đạo được cho là dễ dàng hơn vì một số lý do kỹ thuật liên quan đến ánh sáng, liên lạc và địa hình.
So sánh công nghệ của Chandrayaan-3 và Luna-25
Các tàu đổ bộ có khối lượng tương tự nhau, Luna-25 nặng khoảng 1.750 kg khi cất cánh, trong đó nhiên liệu đẩy chiếm hơn một nửa. Trạm đổ bộ Vikram của nhiệm vụ Chandrayaan-3 nặng 1.752 kg, tính cả robot tự hành Pragyan nặng 26 kg mà nó mang theo. Chiếm một phần lớn khối lượng của Vikram cũng là nhiên liệu đẩy.
Luna-25 mang theo 8 dụng cụ khoa học, bao gồm Tổ hợp thao tác Mặt Trăng (LMK) với khả năng đào xới lớp đất đá trên Mặt Trăng, Máy dò neutron và gamma (ADRON-LR) nhằm tìm kiếm băng nước.
Vikram mang 4 bộ thiết bị khoa học, trong đó có đầu dò nhiệt với khả năng đâm sâu vào đất Mặt Trăng khoảng 10 cm và ghi nhận nhiệt độ của đất đá xuyên suốt ngày Mặt Trăng. Vikram cũng trang bị một bộ phản xạ ngược, dự kiến vẫn phát huy tác dụng rất lâu sau khi trạm đổ bộ này ngừng hoạt động. Trong khi đó, robot Pragyan mang theo Máy quang phổ phát xạ laser (LIBS) và Máy quang phổ tia X hạt Alpha (APXS) để nghiên cứu đất đá Mặt Trăng.
Tầm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ tương lai
Hoạt động của Luna-25 và Chandrayaan-3 có thể góp phần thúc đẩy các nhiệm vụ tương lai. Nga dự định phóng thêm các tàu Luna, gồm Luna-26 vào năm 2027, Luna-27 năm 2028 và Luna-28 sớm nhất vào năm 2030. Nước này cũng mong muốn đóng một vai trò quan trọng trong dự án Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) của Trung Quốc thay vì chương trình Artemis của Mỹ.
Trong khi đó, Ấn Độ đang lên kế hoạch cho nhiệm vụ hợp tác với Nhật Bản mang tên Thám hiểm Cực Mặt Trăng (LUPEX), dự kiến triển khai cuối thập kỷ này. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đã ký kết Hiệp định Artemis.
Thu Thảo (Theo Space)