Các cơ tim không mệt mỏi như cơ xương do chúng có nguồn cung cấp máu tốt hơn, nhiều ti thể và các tế bào tạo nhịp tim của chính chúng giúp tim hoạt động.
Khi chúng ta chạy bộ quá sức hay thực hiện các bài tập chống đẩy mạnh, có thể khiến các bộ phận như cơ bắp đau và mệt mỏi, thậm chí các hoạt động này còn khiến cơ thể bất tỉnh. Nhưng trái tim hoạt động liên tục trong suốt cuộc đời bạn mà không mệt mỏi.
Tại sao lại thế?
Con người có ba loại cơ khác nhau bao gồm cơ xương, cơ trơn và cơ tim. Cơ xương là những cơ hỗ trợ chúng ta vận động như tập thể dục, chúng được kết nối với xương và dây chằng và chiếm 30-40% tổng khối lượng cơ thể.
Các cơ trơn có mặt trong những cơ quan rỗng như ruột, mạch máu hay đường tiết niệu.
Cơ xương trở nên mệt mỏi khi chúng ta tập thể dục, bạn có thể cảm nhận được sự đau nhức, các cơ trơn cũng cần có những khoảng thời gian nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, các cơ tim thực hiện công việc liên tục, co bóp đẩy máu đến các bộ phận trong cơ thể mà không bao giờ mệt mỏi do chúng có những cơ chế đặc biệt.
Cơ tim có khả năng chịu đựng cao hơn cơ xương. Tình trạng mệt mỏi xảy ra đối với cơ bắp là khi bộ phận này không thể sản xuất đủ năng lượng để duy trì chuyển động hoặc do oxy thiếu; lượng đường dự trữ thấp.
Lưu ý rằng, sự đau nhức mà chúng ta cảm nhận vào ngày sau khi tập thể dục gần như không liên quan đến việc cơ bắp mệt mỏi, mà nó liên quan nhiều hơn đến tổn thương các sợi cơ khi bạn đẩy chúng vượt quá giới hạn bình thường.
Không giống như cơ xương, cơ tim có nguồn cung cấp máu dồi dào, giúp giữ oxy đi vào ngay cả trong thời gian hoạt động cường độ cao. Các cơ tim cũng sản xuất năng lượng tốt hơn các cơ xương.
Ti thể trong cơ tim, chiếm 35% thể tích tế bào bộ phận này, có thể tạo ra năng lượng, con số này đối với cơ xương là 3-8%. Nồng độ ty thể giúp ngăn ngừa sự tích tụ của các chất thải gây mệt mỏi như axit lactic.
Một yếu tố khác góp phần vào việc tim hoạt động liên tục mà không mệt mỏi là hệ thống co thắt tích hợp của nó. Trái tim sở hữu một mạng lưới các tế bào chuyên biệt được gọi là tế bào tạo nhịp tim.
Trái tim cũng có thể thích nghi và điều chỉnh chức năng của nó để đáp ứng nhu cầu thay đổi hành vi và môi trường của chúng ta. Ví dụ, trong khi tập thể dục, tim đập nhanh hơn và bơm nhiều máu hơn để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho cơ bắp.
Nhu cầu gia tăng này kích hoạt một loạt các phản ứng sinh lý bao gồm cả việc giải phóng các hormone như adrenaline và noradrenaline. Điều này giúp tăng nhịp tim và khả năng co bóp.
Ngoài ra, tim có thể trải qua những thay đổi cấu trúc để đáp ứng với những thay đổi dài hạn về nhu cầu. Ví dụ, tập thể dục thường xuyên có thể khiến tim tăng kích thước và sức mạnh cho phép tim bơm nhiều máu hơn với mỗi nhịp.
Sự thích nghi này được gọi là phì đại tim và là một phản ứng bình thường đối với việc tăng cường hoạt động thể chất.
Điều quan trọng chúng ta cần lưu ý, mặc dù trái tim vô cùng kiên cường, nhưng nó không phải là bất khả chiến bại.
Các yếu tố như chế độ ăn uống kém, thiếu tập thể dục và căng thẳng mãn tính đều có thể ảnh hưởng đến tim theo thời gian. Những yếu tố này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim như đột quỵ và các vấn đề tim mạch khác.