Những chiếc răng nanh dài tới 5 cm và có thể thu lại của rắn hổ lục Gaboon (Bitis gabonica) có khả năng hạ gục con mồi lớn như linh dương. Đây cũng là thành viên lớn nhất trong chi rắn Bitis. Kích thước này góp phần khiến chúng trở thành kẻ săn mồi đáng sợ với các sinh vật sống trong rừng, bất kể lớn hay nhỏ, Science Alert hôm 6/8 đưa tin.
Rắn hổ lục Gaboon thường sinh sống ở châu Phi. Chúng là loài rắn độc có răng nanh dài nhất thế giới và lưu trữ lượng nọc độc nhiều nhất. Dù có thể nặng tới 20 kg và dài khoảng 1,8 m, rắn hổ lục Gaboon rất giỏi phục kích con mồi. Với cái đầu rộng 15 cm và họa tiết da giống lá rụng, nó có thể đánh lừa ếch, gà phi, chuột hoặc những con mồi thiếu cảnh giác khác trên mặt đất. Chỉ trong một giây, nó có thể lao vọt tới phía trước vài mét.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng rắn hổ lục Gaboon ban đầu phát triển răng nanh tiêm nọc độc siêu dài để hạ gục động vật có vú dễ dàng hơn. Răng nanh của chúng rất dài nếu xét theo con số, nhưng không quá lớn so với đầu. Về mặt tỷ lệ, rắn Bothrops taeniatus của Nam Mỹ mới là loài rắn độc có răng nanh dài nhất so với đầu.
Tuy nhiên, không giống các loài rắn độc khác, rắn hổ lục Gaboon không chỉ tấn công bằng một nhát cắn nhanh tẩm độc. Nó ngoạm chặt cho đến khi con mồi chết hẳn. Điều này cho phép nó tiêm một lượng nọc độc cực lớn vào con mồi - lên tới 2.400 mg nọc khô và 9,7 ml nọc ướt. Trong khi đó, chỉ khoảng 100 mg nọc độc khô cũng có thể gây chết người.
Liều lượng này nghe có vẻ dư thừa, nhưng so với các loài rắn độc khác, chất độc của rắn hổ lục Gaboon có độc tính tương đối thấp. Dù về lý thuyết, chúng có thể tạo ra đủ nọc độc để hạ gục 6 người cùng lúc, chúng hiếm khi tấn công con người. Kể cả khi điều này xảy ra, con người vẫn có thuốc giải độc. Thông thường, chúng chỉ tìm cách xua đuổi con người.
Giới khoa học phát hiện, khỉ đu cây ở Tây Phi, thường không quan tâm đến các loại rắn dưới mặt đất, lại cảnh giác cao độ khi rắn hổ lục Gaboon xuất hiện. Tại Kenya, các nhà nghiên cứu bắt gặp rắn hổ lục Gaboon giết chết một con khỉ xanh chưa trưởng thành. Tuy nhiên, con khỉ lớn đến mức kẻ đi săn không thể nuốt chửng.
Trong những khu rừng châu Phi, rắn hổ lục Gaboon thậm chí đáng sợ đến mức một số loài động vật cố gắng bắt chước chúng để tự vệ. Năm 2019, các nhà khoa học tìm được bằng chứng cho thấy cóc khổng lồ châu Phi (Amietophrynus superciliaris) bắt chước hình dáng và âm thanh của rắn độc để tránh bị ăn thịt.
Thu Thảo (Theo Science Alert)