Trong quá trình khai quật ở thị trấn Engen, quận Konstanz, miền nam nước Đức, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Yvonne Tafelmaier tại Đại học Tübingen phát hiện lối vào của một hang động từng có người sinh sống trong thời Magdalenian, khoảng 16.000 - 14.000 năm trước. Dù hang động được các nhà khảo cổ học biết tới từ lâu, đến nay họ mới phát hiện được lối vào, Newsweek hôm 3/8 đưa tin.
"Phát hiện như vậy cực kỳ hiếm trong nghiên cứu thời kỳ Đồ Đá cũ, mang đến cơ hội giải đáp những câu hỏi quan trọng về hành vi của người săn bắt - hái lượm cuối kỷ băng hà bằng các phương pháp hiện đại", Tafelmaier cho biết.
Các nhà khảo cổ từng tìm thấy một phần nhỏ hang động vào năm 1978. Họ cho nổ một lỗ trên trần hang để tìm hiểu về thời điểm chiếc hang được sử dụng. Họ phát hiện, có thể đây từng là nơi trú ẩn cho những người săn bắt hái lượm trong kỷ băng hà. Chiếc lỗ sau đó được bịt lại và nhiệm vụ nghiên cứu sâu hơn được dành cho các nhà khảo cổ sau này.
Những chuyến khai quật mới bắt đầu vào năm 2021. Trong 6 tuần làm việc, các chuyên gia đã thu thập được thêm dữ liệu nhưng vẫn chưa tìm ra lối vào hang động ban đầu.
Tháng 4 năm nay, nhóm nhà khoa học từ Đại học Heidelberg tiếp tục tiến hành nghiên cứu chiếc hang. Họ đã xác định thành công vị trí của một lỗ hổng 20 m bằng phương pháp phân tích hình ảnh. Đến ngày 4/7, họ khai quật được lối vào ban đầu của hang. Lối vào bị trầm tích chặn hoàn toàn, khiến nó trở nên rất khó tìm.
Trong lúc khai quật khu vực, nhóm nhà khoa học cũng tìm thấy các công cụ bằng đá và xương động vật từ kỷ băng hà, Tafelmaier cho biết. Họ sẽ tiếp tục tiến hành khai quật tại hiện trường vào năm tới.
Lối vào hang động cổ xưa là một trong những tàn tích từ kỷ băng hà được các nhà khoa học phát hiện gần đây. Tháng 7, mảnh vỡ thất lạc của một bức tượng nhỏ bằng ngà voi chạm khắc cách đây 35.000 năm, trong kỷ băng hà, được khai quật tại hang Hohle Fels ở Schelklingen, Đức. Bức tượng nổi tiếng được tìm thấy vào năm 1999.
Thu Thảo (Theo Newsweek)