Hôm 10/7, ba vết nứt xuất hiện dưới chân một ngọn núi ở Iceland, phun dung nham và khí lên không trung. Hai vết nứt đóng lại chỉ sau một đêm, dung nham chỉ còn trào ra từ một nón núi lửa (ngọn đồi hình tam giác hình thành do vật chất từ các vụ phun trào tích tụ xung quanh miệng phun) duy nhất. Nó phát triển thành miệng núi lửa, hiện đã cao hơn 30 m và trở thành núi lửa mới nhất của Trái Đất, IFL Science hôm 28/7 đưa tin.
Những hình ảnh ấn tượng về dòng dung nham đã được chia sẻ trên mạng xã hội từ khi vết nứt xuất hiện. RÚV, Cơ quan Phát sóng Quốc gia Iceland, cũng đang chia sẻ video phát trực tiếp trên kênh YouTube của mình để mọi người có thể liên tục theo dõi núi lửa mới.
Litli-Hrútur, nơi ngọn núi lửa mới hình thành, là một phần của vùng núi lửa Fagradalsfjall. Fagradalsfjall đã im lìm suốt 800 năm, nhưng bắt đầu hoạt động trở lại tháng 3/2021 và một lần nữa vào tháng 8/2022. Lần phun trào gần đây nhất xảy ra sau khi xuất hiện hàng nghìn trận động đất vào những ngày trước đó.
Trang tin Iceland Monitor hôm 25/7 cho biết, dòng dung nham tại Litli-Hrútur hiện đã vượt trội hơn dòng dung nham tháng 8 năm ngoái, đạt thể tích 12,4 triệu m3. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hôm 26/7 cũng công bố hình ảnh do vệ tinh Copernicus Sentinel-2 chụp về dung nham và cột khói sau khi vụ phun trào diễn ra khoảng một ngày.
Litli-Hrútur cách thủ đô Reykjavik của Iceland khoảng 30 km về phía tây nam. Lượng khí độc tích tụ sau vụ phun trào khiến các nhà chức trách đặt ra giới hạn tiếp cận khu vực này. Dung nham chảy xiết trong đêm đầu tiên gây cháy tại vùng đất khô cằn xung quanh. Lính cứu hỏa đã kiểm soát được tình hình và từ ngày 17/7, khu vực này mở cửa cho khách du lịch.
Năm 2021, khi Litli-Hrútur phun trào, các vết nứt mới xuất hiện sau đó vài tuần. Vì vậy, các chuyên gia đang theo dõi khu vực này rất chặt chẽ. Trong một thông báo, Văn phòng Khí tượng Iceland cảnh báo du khách về những nguy hiểm và tính chất khó lường của dòng dung nham.
Giới chuyên gia cho biết, rất khó để nói chắc chắn rằng vụ phun trào sẽ kéo dài bao lâu và miệng núi lửa vẫn đang phát triển. "Có giới hạn về độ cao mà miệng núi lửa có thể đạt được trước khi trở nên không ổn định. Vì vậy, tôi nghĩ nếu hoạt động vẫn ở mức cao, nhiều khả năng chúng ta sẽ được chứng kiến các sự kiện tiếp theo, trong đó nhiều phần của thành miệng núi lửa có thể sụp đổ", Laura Wainman, nghiên cứu sinh tại Trường Môi trường và Trái Đất thuộc Đại học Leeds, cho biết.
Thu Thảo (Theo IFL Science)