Ngày 28/7, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt dẫn đầu đoàn công tác của bộ làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn.
Tại buổi làm việc bà Hồ Thu Ánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều dự án, đề tài khoa học và công nghệ quốc gia về nông nghiệp, kỹ thuật và công nghệ... Phần lớn các đề tài, dự án được chuyển giao, góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, phát triển sản phẩm có lợi thế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, địa phương đang thiếu cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ có trình độ chuyên môn cao. Trong đó, quan trọng nhất là các chuyên gia đầu ngành ở lĩnh vực như: khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, công nghệ sinh học, khoa học xã hội và nhân văn. Kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thương mại hóa chưa nhiều.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ghi nhận những kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hậu Giang. Ông cũng thẳng thắn, để lĩnh vực này tạo ra những giải pháp đột phá thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cần giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành khoa học và công nghệ tham mưu xây dựng các giải pháp.
Theo Bộ trưởng, làm thế nào để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải thực sự đồng hành, trực tiếp triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất...
Dẫn thực tế các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được triển khai xây dựng, Bộ trưởng gợi ý địa phương chuẩn bị các điều kiện để "tận dụng cơ hội thu hút các nhà đầu tư khai thác các tiềm năng lợi thể này khi không gian phát triển được mở rộng".
Đối với việc phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang hơn 5000 ha, đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ trưởng đề nghị tỉnh xây dựng các chính sách đủ mạnh để có thể thu hút nhân lực khoa học làm việc; qua đó, có thể nghiên cứu, phát triển và lan tỏa công nghệ.
Bộ trưởng cũng đề nghị địa phương bố trí tăng chi ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ, tiệm cận dần đến mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn theo Luật Khoa học công nghệ 2013. Đồng thời có giải pháp huy động nguồn kinh phí doanh nghiệp, các nhà tài trợ...
Ông mong muốn Hậu Giang chú trọng hơn việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao và tiếp nhận công nghệ hiện đại, thông minh, công nghệ xanh - sạch - thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực quản trị công nghệ và quản lý doanh nghiệp.
Liên quan đề xuất của lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang ưu tiên hỗ trợ tỉnh tham gia các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giao cho các đơn vị chức năng của Bộ làm đầu mối hướng dẫn triển khai thực hiện.
Hậu Giang là tỉnh ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt cao 14,21%, đứng đầu cả nước. Tỉnh hiện có 7 tổ chức khoa học và công nghệ công lập và ngoài công lập, cung ứng các dịch vụ ứng dụng, chuyển giao kết quả hoạt động nghiên cứu.
Từ năm 2022 đến tháng 6/2023, có 11 đề tài, dự án khoa học khoa học công nghệ cấp tỉnh và cấp Bộ được triển khai với tổng kinh phí hơn 35,2 tỷ đồng. Trong đó, từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ Trung ương hơn 4,3 tỷ đồng, kinh phí địa phương trên 21 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách gần 10 tỷ đồng. Các đề tài, dự án được triển khai đều ở các lĩnh vực như khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. Trong thời gian này có 11 đề tài, dự án được nghiệm thu. Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức chuyển giao kết quả nghiên cứu 6 đề tài, dự án ứng dụng vào thực tế.
An Bình