Cách đây nhiều thập kỷ, quy định đối với bảo trì phòng thí nghiệm chưa nghiêm ngặt như hiện nay. Điều này góp phần thúc đẩy những bộ óc vĩ đại ở Phòng thí nghiệm máy gia tốc quốc gia Mỹ (NAL), ngày nay là Fermilab, nảy ra sáng kiến độc đáo để vệ sinh máy gia tốc hạt vào năm 1971, theo Science Alert.
Tháng 2/1971, máy gia tốc hạt Main Ring ở phòng thí nghiệm Meson của NAL mới hoàn thiện và các nhà vật lý háo hức chạy thử cỗ máy. Thiết bị trị giá 250 triệu USD này bao gồm một đường ống dài 6,4 km cùng với 1.014 nam châm cực mạnh giúp điều khiển và gia tốc proton tới mức năng lượng 200 tỷ electron volt. Tiềm năng khoa học từ cỗ máy rất lớn.
Vào cuối tháng 4 cùng năm, mọi thứ không như kỳ vọng. Sáu ngày sau khi nam châm cuối cùng được lắp đặt, các kỹ sư phát hiện hai nam châm bị trục trặc. Đây không phải là vấn đề nhỏ. Mỗi nam châm dài khoảng 6 m và nặng 12,5 tấn. Đội kỹ sư mất nhiều thời gian để thay thế hai nam châm. Nhưng vấn đề vẫn tái diễn liên tục. Tổng cộng, họ đã phải thay thế khoảng 350 nam châm.
Cuối cùng, các kỹ sư phát hiện vấn đề nằm ở những vụn kim loại nhỏ li ti còn sót lại trong máy gia tốc. Ống gia tốc có đường kính chỉ bằng quả bóng tennis, khiến đội kỹ sư đau đầu tìm cách lấy vụn kim loại ra ngoài. Nhà vật lý Ryuji Yamada đề nghị kéo nam châm dọc theo đường ống. Ý tưởng đó không tồi nhưng ai sẽ kéo nam châm? Nhà vật lý học người Anh Robert Sheldon, một nhà nghiên cứu rất giàu ý tưởng, nảy ra sáng kiến.
Theo lời kể của nhà khoa học máy tính Frank Beck, ở quê nhà Sheldon tại Yorkshire, thợ săn sử dụng chồn sương. "Chồn sương là động vật có vú rất thích bò dọc đường hầm và lùa thỏ. Một con chồn sương sẽ không lưỡng lự chui vào bên trong ống thép không gỉ, ngay cả khi đó là hành trình dài không rõ điểm đích. Hơn nữa, đây là một giải pháp xanh để giải quyết vấn đề kỹ thuật và mọi người đều thích ý tưởng đó", Beck chia sẻ.
Wally Pelczarski, nhà thiết kế máy gia tốc hạt Main Ring, người giao nhiệm vụ bố trí chồn sương dọn sạch đường ống, liên lạc với trang trại Wild Game and Fur ở Gaylord, Minnesota, và nhờ họ chọn con chồn sương nhỏ nhất. Với giá 35 USD, trang trại gửi con chồn tên Felicia tới. Chỉ dài 38 cm, Felicia là một con chồn sương đặc biệt nhỏ nhắn và phù hợp với đường ống cần dọn sạch.
Felicia đeo tã để ngăn máy gia tốc bị dính phân chồn và một bộ dây bằng da. Sau đó, các nhà nghiên cứu huấn luyện nó bò dọc đường hầm tối trong khi đeo bộ dây. Con chồn sẽ bò từ một đầu của các đoạn đường hầm dài 100 m tới đầu kia với phần thưởng là gà, gan, đầu cá hoặc thịt hamburger sau khi kết thúc một đoạn. Một kỹ sư ở cuối đường ống sẽ buộc giẻ lau thấm đẫm dung dịch vệ sinh vào bộ dây để thu thập mảnh vụn kim loại.
Biện pháp trên rất hiệu quả và các nhà khoa học có thể dọn sạch đường ống nhờ sự giúp đỡ của con chồn sương nhỏ. Tuy nhiên, theo thời gian, nhu cầu của họ vượt quá khả năng của Felicia và kỹ sư Hans Kautzky phát triển giải pháp mới. Ông gắn đĩa Mylar vào một dây cáp dẻo để kéo qua đường ống bằng khí nén. Felicia về hưu sau hơn chục lần vệ sinh ống. Dù các nhà khoa học ở NAL rất yêu quý nó, Felicia không sống lâu. Nó chết vào tháng 5/1972 do vỡ khối áp xe ở đường ruột.
An Khang (Theo Science Alert)