Vùng nước nông ngoài khơi phía nam biển Florida, giáp Đại Tây Dương, vừa chạm tới ngưỡng 100⁰F (tương đương 37,8⁰C) trong vài ngày qua, và có thể lập kỷ lục thế giới mới.
Biển Địa Trung Hải cũng vừa đạt nhiệt độ cao kỷ lục vào ngày 24/7 vừa qua, khi toàn khu vực trải qua một đợt nắng nóng đỉnh điểm. "Chúng tôi đã đạt được kỷ lục mới về nhiệt độ mặt nước biển ở trung bình ở Địa Trung Hải, với 28,71⁰C", Viện Khoa học Hàng hải Tây Ban Nha cho biết.
Được biết, đây là mức cao nhất tại biển Địa Trung Hải trong 20 năm qua. Kỷ lục trước đó là vào ngày 23/8/2003, với giá trị trung bình đạt 28,25⁰C.
Nhiệt độ như phòng tắm hơi của nước biển có thể sẽ khiến nhiều người cảm thấy thú vị, song điều này đang tàn phá hệ sinh thái san hô và các loài sống dựa vào chúng.
Tổ chức Phục hồi San hô (CRF) cho biết ở Sombrero Reef, một địa điểm tái phục hồi san hô trong hơn 1 thập kỷ qua, đã ghi nhận tỷ lệ san hô chết đạt 100%.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), có khoảng 25% sinh vật biển được tìm thấy trong, hoặc xung quanh các rạn san hô. Chúng đóng vai trò là một trong những môi trường sống đa dạng nhất trên thế giới, bên cạnh rừng mưa nhiệt đới.
Theo nhà khí hậu học Gavin Schmidt của NASA, tháng 7/2023 đang trên đà trở thành tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Đây có thể là kỷ lục trong hàng nghìn năm tới.
"Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi chưa từng có trên toàn thế giới", Schmidt nhấn mạnh. "Những kỷ lục liên tục bị phá vỡ, cả trên đất liền và trên biển".
"Những tác động này là hệ quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra", chuyên gia từ NASA cho biết thêm.
Theo
www.sciencealert.com