Nhiếp ảnh gia Soumyadeep Mukherjee, người Ấn Độ vừa đăng tải loạt ảnh ấn tượng về những cầu vồng hiếm gặp, qua đó thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Cầu vồng này thú vị ở chỗ, nó xuất hiện như một dải màu kéo sau đuôi máy bay, và có màu sắc khá độc đáo.
Theo chia sẻ, Mukherjee ban đầu định chụp ảnh Trạm Vũ trụ Quốc tế khi trạm này di chuyển ngang qua Mặt Trời. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những đám mây đã ngăn cản điều đó.
Mukherjee hướng tầm nhìn của mình đến một khu vực khác, và tình cờ phát hiện thấy một chiếc máy bay trong trường nhìn. "Tôi phóng to ống kính của mình ở tiêu cự 600mm, và rất ngạc nhiên khi thấy những dải màu kéo dài sau đuôi của máy bay", Mukherjee kể lại.
"Tôi không thể tin rằng mình đã có thể bỏ lỡ nó", nhiếp ảnh gia cho biết thêm. "Nếu không phóng to bằng máy ảnh, tôi đã không thể nhìn thấy nó bằng mắt thường. Dải màu là quá bé".
Theo NASA, đây thực ra là hơi nước phun ra từ động cơ của máy bay bị ngưng tụ, và đóng băng xung quanh những hạt bụi hoặc hơi nước có sẵn trong không khí.
Contrail Science lý giải, đây còn được gọi là những vệt khí động học. Chúng hình thành khi áp suất và nhiệt độ không khí giảm xuống, khiến hơi nước đóng băng thành những giọt có kích thước khác nhau.
Khi quan sát ngược sáng, những giọt nước đóng băng này khúc xạ với ánh sáng ở các bước sóng khác nhau, xuất hiện dưới dạng cầu vồng đối với người quan sát.
Phấn khích với những nỗ lực của mình, Mukherjee đã tiếp tục quan sát bầu trời và chụp được nhiều vệt cầu vồng với những màu sắc và chi tiết khác nhau.
Loạt ảnh về cầu vồng hiếm gặp được chụp bởi Soumyadeep Mukherjee:
Theo
www.space.com