Thông tin trên được GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF, Tập đoàn Vingroup chia sẻ tại tọa đàm: "Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và hướng tới thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ" sáng 26/7 tại Hà Nội. Phiên tọa đàm tổ chức trong chương trình "Dấu ấn 5 năm hoạt động VinIF".
Theo ông Văn, nhiều nhà khoa học có nhiều ý tưởng tốt nhưng để trở thành sản phẩm được người dùng đón nhận cần nhiều thứ, từ vốn đến sự năng động của tác giả.
Ông nêu ví dụ về công ty Google được thành lập bởi các nhà khoa học là nghiên cứu sinh ở trường đại học Stanford (Mỹ). Họ là những người nghĩ ra ý tưởng, sau đó đã bỏ học để đi ra ngoài gọi vốn thành lập công ty. "Thời gian đầu, Google gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau đó dần phát triển và thành công lớn mạnh như ngày hôm nay", GS Văn nói. Câu chuyện của Google cho thấy, người làm nghiên cứu cần hy sinh, dấn thân chứ không chỉ ngồi một chỗ ước mơ sẽ có nhà đầu tư đến với mình và sản phẩm đến với triệu người dùng.
Một yếu tố để hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm, các nhà khoa học còn cần sự đồng hành của người dẫn dắt, đội ngũ có chuyên môn về thị trường để tính toán quy mô nhân rộng và đánh giá liệu sản phẩm có mang lại giá trị và lãi suất thực tế hay không, ông Văn phân tích.
Ở góc độ tài chính, ông cho biết, Quỹ VinIF ngoài việc đầu tư vốn cho các nhà khoa học còn tổ chức nhiều hội thảo về các kỹ năng khác nhau, với mong muốn giúp các nhà khoa học trang bị nhiều kiến thức cần thức cho việc thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu. Nếu nhà khoa học mong muốn đăng ký bản quyền nghiên cứu ở nước ngoài, Quỹ cũng đầu tư thêm khoản kinh phí tư vấn cho các phát minh, sáng chế. "Khi nhà khoa học đảm bảo sản phẩm mang lại tiềm năng lớn, Quỹ sẽ giúp kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu", ông Văn cho biết. Theo cách làm này, sau 5 năm đã có 7 chương trình được triển khai, với tổng kinh phí cho các hoạt động tài trợ lên tới gần 800 tỷ đồng. Đã có hàng nghìn công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, gần 400 sản phẩm, trên 70 phát minh sáng chế, gần 20 doanh nghiệp start-up, spin-off hình thành.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, cho rằng vai trò của các Quỹ như "bà đỡ", giúp các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu. Với kỳ vọng này, năm 2003, Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ ban hành nghị định về việc thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia (Nafosted). Đến năm 2008, quỹ bắt đầu đi vào hoạt động. Chỉ 10 năm sau đó, quỹ đã thành công trong việc hỗ trợ các nhà khoa học lĩnh vực nghiên cứu cơ bản cho ra đời hàng loạt sản phẩm có giá trị. Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng vọt từ 20-30%/năm.
Sau đó, Bộ tiếp tục đề xuất thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Natif) với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện dự án đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, quỹ này không mang lại kết quả như kỳ vọng, lý do cơ chế tài chính không đảm bảo được tính rủi ro của các nghiên cứu khoa học công nghệ.
Theo TS Quân, cần gỡ khó trong cơ chế tài chính. Nghĩa là sau khi người làm khoa học hoàn thành ý tưởng và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, họ sẽ nhanh chóng được cấp kinh phí để triển khai nghiên cứu trên thực tế. "Các nước phát triển trên thế giới luôn cấp phép cho các dự án nghiên cứu khoa học theo cơ chế này và thành công", ông Quân nói và đánh giá Quỹ VinIF đang làm theo cách này đạt được nhiều kết quả nghiên cứu nổi bật, sản phẩm phong phú và đào tạo được nhiều thạc sĩ, tiến sĩ. Ông hy vọng Quỹ sẽ trở thành hình mẫu cho các đơn vị công lập, trường đại học để có thể phát triển các quỹ trong tương lai.
Cũng tại sự kiện, TS Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BK Fund, nhấn mạnh việc các nhà nghiên cứu cần có khát vọng và nghiêm túc trong việc phát triển sản phẩm ra thị trường.
Ông nêu hiện thực, tài sản trí tuệ ở trường đại học và trung tâm nghiên cứu Việt Nam chưa được quan tâm và phát huy hết tiềm năng. Các hoạt động nghiên cứu của nhà khoa học, trường đại học gặp bất cập khi không được giới thiệu, truyền thông rộng rãi đến doanh nghiệp nên khó có thể thương mại hoá. TS Đoàn gợi ý trường đại học cần gần gũi hơn với doanh nghiệp để gia tăng sự gắn bó giữa các hoạt động của trường và doanh nhân. Đây cũng là hoạt động cần thiết để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Bích Thảo