Giới nghiên cứu khám phá bí ẩn về đường tiến hóa khổng lồ hơn 160 năm từ khi ranh giới này được xác định lần đầu tiên. Đường tưởng tượng này xuất hiện cách đây hàng triệu năm sau khi một va chạm lục địa gây ra biến đổi khí hậu cực đoan, ảnh hưởng tới các loài ở hai bên vạch chia theo cách khác nhau. Ranh giới mang tên Đường Wallace là một rào cản địa sinh học được lập bản đồ lần đầu vào năm 1863 bởi nhà tự nhiên học và thám hiểm người Anh Alfred Russel Wallace, nổi tiếng với thuyết tiến hóa qua chọn lọc tự nhiên cùng thời với Charles Darwin.
Trong những chuyến đi qua quần đảo Mã Lai, chuỗi hơn 25.000 hòn đảo giữa Đông Nam Á và Australia, bao gồm nhiều quốc gia hiện đại như Philippines, Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea và Singapore, Wallace nhận thấy những loài ông gặp thay đổi đáng kể khi qua một điểm mốc. Điểm mốc này sau đó được đặt tên là Đường Wallace.
Ở phía bên châu Á của Đường Wallace, các sinh vật chỉ có nguồn gốc từ châu Á. Nhưng ở phía bên Australia của ranh giới, động vật có dòng dõi từ cả châu Á và Australia. Trong hơn một thế kỷ, sự phân bố bất cân đối của các loài dọc Đường Wallace khiến những nhà sinh thái học bối rối. Có điều gì đó cho phép động vật châu Á di chuyển về một hướng nhưng ngăn loài vật từ Australia di chuyển theo hướng ngược lại.
Trong vài năm qua, một giả thuyết mới xuất hiện. Giờ đây giới nghiên cứu cho rằng sự phân bố không cân đối của động vật dọc Đường Wallace là kết quả của biến đổi khí hậu cực đoan do hoạt động kiến tạo khoảng 35 triệu năm trước, khi Australia tách khỏi Nam Cực và đâm vào châu Á, dẫn tới quần đảo Mã Lai ra đời.
Trong nghiên cứu mới công bố hôm 6/7 trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu sử dụng mô hình máy tính để mô phỏng động vật chịu tác động như thế nào bởi ảnh hưởng khí hậu do va chạm lục địa gây ra. Mô hình xem xét các yếu tố như khả năng phân tán, sự ưa chuộng sinh thái và quan hệ tiến hóa của hơn 20.000 loài ở hai phía của Đường Wallace. Kết quả cho thấy động vật châu Á phù hợp hơn nhiều với cuộc sống ở quần đảo Mã Lai vào thời điểm đó. Những thay đổi lớn về khí hậu lúc đó không phải do chuyển động của lục địa gây ra mà do tác động của lục địa tới đại dương trên Trái Đất.
"Khi Australia trôi dạt khỏi Nam Cực, nó mở ra khu vực đại dương sâu bao quanh Nam Cực, nơi ngày nay có hải lưu vòng Nam Cực (ACC)", trưởng nhóm nghiên cứu Alex Skeels, nhà sinh vật học tiến hóa ở Đại học Quốc gia Australia, giải thích. "Điều này thay đổi đáng kể khí hậu Trái Đất, khiến khí hậu lạnh hơn nhiều".
Mô hình mới hé lộ biến đổi khí hậu không ảnh hưởng như nhau tới mọi loài. Khí hậu ở Đông Nam Á và quần đảo Mã Lai mới hình thành ấm áp và ẩm ướt hơn nhiều so với Australia, nơi rất lạnh và khô. Kết quả là sinh vật ở châu Á thích nghi tốt để sống ở các hòn đảo Mã Lai và dùng chúng như "bàn đạp" để chuyển tới Australia. Nhưng động vật ở Australia thì lại không giống như vậy. Chúng tiến hóa trong khí hậu lạnh và ngày càng khô hơn theo thời gian, do đó ít có khả năng thành công trong việc đặt chân lên những hòn đảo nhiệt đới so với loài di cư từ châu Á. Nhóm nghiên cứu hy vọng mô hình của họ có thể dùng để dự đoán tác động của biến đổi khí hậu hiện đại tới động vật ngày nay.
An Khang (Theo Live Science)