Nghiên cứu mới đến từ các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Úc tiết lộ, một ranh giới bí ẩn xuất hiện hàng chục triệu năm trước sau khi hai lục địa Úc và châu Á va chạm với nhau tạo nên quần đảo Mã Lai và gây ra biến đổi khí hậu khắc nghiệt, dẫn đến sự phân chia các loài động vật ở mỗi bên.
Vào năm 1863, nhà tự nhiên học và thám hiểm người Anh, Alfred Russel Wallace (nổi tiếng với những đề xuất thuyết tiến hóa bằng chọn lọc tự nhiên cùng thời với Charles Darwin) trong chuyến du hành qua Quần đảo Mã Lai đã nhận thấy sự phân bố các loài động vật thay đổi mạnh mẽ sau một thời điểm nhất định.
Ranh giới này được đặt tên là Đường Wallace, nó giống như một hàng rào địa sinh học.
Về phía châu Á, các sinh vật chỉ có nguồn gốc từ châu Á. Nhưng ở phía Úc của ranh giới, động vật là sự pha trộn cả khu vực châu Á và châu Úc. Trong hơn một thế kỷ, sự phân bố không đối xứng của các loài trên Đường Wallace khiến các nhà sinh thái học bối rối.
Họ không thể đưa ra lý do khiến các loài châu Á có thể di chuyển theo một hướng nhưng lại ngăn cản các loài ở Úc di chuyển theo hướng ngược lại.
Trong vài năm gần đây, một giả thuyết mới đã xuất hiện.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, sự phân bố không đồng đều của các loài động trên Đường Wallace là do biến đổi khí hậu khắc nghiệt từ hoạt động kiến tạo xảy ra khoảng 35 triệu năm trước, khi Australia tách khỏi Nam Cực và tiếp xúc với châu Á hình thành nên Quần đảo Mã Lai.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình máy tính để mô phỏng cách động vật bị ảnh hưởng bởi các tác động khí hậu do sự kết hợp lục địa gây ra.
Mô hình đã tính đến khả năng phân tán, sở thích sinh thái và mối liên hệ tiến hóa của hơn 20.000 loài động vật được tìm thấy ở hai bên của Đường Wallace. Kết quả cho thấy các loài châu Á phù hợp hơn nhiều để sống ở Quần đảo Mã Lai vào thời điểm đó.
Thay đổi khí hậu
Những thay đổi khí hậu vào thời điểm đó không phải do sự chuyển động của các lục địa gây ra mà xuất phát từ việc chúng tác động đến các đại dương của Trái Đất.
Tác giả chính của nghiên cứu, nhà sinh vật học tiến hóa Alex Skeels, Đại học Quốc gia Úc cho biết: "Khi lục địa Australia trôi dạt khỏi Nam Cực, nó đã mở ra khu vực đại dương sâu thẳm bao quanh Nam Cực, nơi có Dòng điện vòng quanh Nam Cực (ACC).
Điều này đã thay đổi đáng kể toàn bộ khí hậu Trái Đất khiến hành tinh của chúng ta mát mẻ hơn nhiều".
ACC bao quanh Nam Cực, là dòng hải lưu lớn nhất thế giới, đóng vai trò chính trong việc điều hòa khí hậu Trái Đất ngày nay.
Mô hình tiết lộ, khí hậu thay đổi không ảnh hưởng đến tất cả các loài như nhau. Khí hậu ở Đông Nam Á và Quần đảo Mã Lai ấm và ẩm hơn nhiều so với ở Úc, khu vực lạnh và khô.
"Kết quả là các sinh vật ở châu Á đã thích nghi tốt với cuộc sống trên quần đảo Mã Lai và sử dụng chúng làm "bàn đạp" để di chuyển tới Australia.
Các loài động vật ở Úc lại hoàn toàn khác, chúng đã tiến hóa ở nơi có khí hậu mát hơn và ngày càng khô hơn theo thời gian, do đó chúng khó thành công trong việc giành được chỗ đứng trên các hòn đảo nhiệt đới so với các sinh vật di cư từ châu Á", Skeels giải thích.
Các nhà nghiên cứu hy vọng mô hình của họ có thể được sử dụng để dự báo biến đổi khí hậu thời hiện đại sẽ tác động đến các loài sinh vật như thế nào.
Nó có thể giúp các nhà khoa học dự đoán loài nào có thể thích nghi tốt hơn với môi trường mới, khi biến đổi khí hậu trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến các mô hình đa dạng sinh học toàn cầu.
Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Science vào tháng 7.