Đặt chân xuống Mặt Trăng là cột mốc đã được con người chinh phục lần đầu tiên vào năm 1969, trong sứ mệnh Apollo 11 lịch sử. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các quốc gia đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh công nghệ vũ trụ, chỉ để quay trở lại Mặt Trăng một lần nữa.
Điển hình đó là chương trình Artemis của NASA với mục đích đưa con người quay trở lại Mặt Trăng lần đầu tiên sau hơn 50 năm, với cuộc đổ bộ được lên kế hoạch vào năm 2025.
Mục tiêu này không chỉ là tham vọng về mặt kỹ thuật, mà còn được xem như thách thức về mặt chính trị, cũng như mang đến những lợi ích thiết thực cho lĩnh vực thương mại và quân sự.
Lợi ích thương mại từ những chuyến bay "bạc tỷ"
Có thể thấy không chỉ riêng Mỹ, mà nhiều quốc gia khác trên thế giới, từ các công ty mới thành lập, hay các công ty hàng không vũ trụ lâu đời, đều bắt đầu thúc đẩy các sứ mệnh lên Mặt Trăng.
Tiêu biểu có thể kể đến công ty iSpace có trụ sở tại Nhật Bản hay Astrobotic có trụ sở tại Mỹ, dù có tuổi đời non trẻ, nhưng đều đang phát triển tàu đổ bộ mặt trăng thương mại.
Theo Mariel Borowitz, một học giả nghiên cứu về không gian, khái niệm về một "nền kinh tế tuần hoàn", đang được nhắc đến. Tại đó, các công ty vũ trụ sẽ đẩy mạnh đầu tư, để rồi có thể kiếm tiền thông qua các hoạt động của họ xung quanh Mặt Trăng.
Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy sẽ mất nhiều thập kỷ trước khi các hoạt động như khai thác tài nguyên trên Mặt Trăng hay thu thập năng lượng Mặt Trời... có thể tạo ra lợi nhuận.
Tuy nhiên, những hoạt động thương mại, chẳng hạn như du lịch Mặt Trăng, có thể mang lại lợi nhuận tức thời trong tương lai gần.
Đi tiên phong trong lĩnh vực này không ai khác, chính là SpaceX. Công ty hàng không vũ trụ của tỷ phú Elon Musk đã sớm rao bán những chuyến bay tới Mặt Trăng, dự kiến sẽ được ra mắt vào năm 2024.
Tại một ngành kinh doanh hoàn toàn mới, và hứa hẹn mang đến lợi nhuận cao, những công ty sớm tham gia thị trường sẽ giành được lợi thế nhất định.
Họ thậm chí có thể đặt tiền lệ cho mức độ khai thác của nhân loại trên Mặt Trăng, cũng như các giao thức an toàn và bền vững mà những công ty khác đến sau hoàn toàn phải tuân theo.
Lợi ích quân sự
Từ năm 2020, người đứng đầu Lực lượng Không gian Mỹ đã nhấn mạnh rằng Mặt Trăng là "địa thế quan trọng và mang tính chiến lược cao". Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Lực lượng Không quân Mỹ (AFRL) hiện cũng đang tài trợ cho một vệ tinh Mặt Trăng thử nghiệm có tên là Oracle, dự kiến phóng vào năm 2026.
Vệ tinh này sẽ quay xung quanh Mặt Trăng, có chức năng giám sát vùng không gian giữa Trái Đất và Mặt Trăng.
Theo các quan chức AFLR, nếu tất cả theo đúng kế hoạch, Oracle sẽ chiếm một vị trí chiến lược trong không gian. Cụ thể, nó sẽ cho phép quốc gia này nhìn thấy các hoạt động đến và đi trong không gian tốt hơn so với các kính viễn vọng trên Trái Đất hoặc các vệ tinh quay quanh Trái Đất.
Các quốc gia khác hẳn cũng đã nhìn thấy lợi ích quân sự từ việc khai thác tối đa tiềm năng của Mặt Trăng.
Một số thuyết âm mưu còn tính đến việc đặt vũ khí và căn cứ quân sự ở nửa tối của Mặt Trăng, nhằm che giấu chúng khỏi những đối thủ cạnh tranh chiến lược.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng cách này rất tốn kém và ít mang lại lợi ích thực tế.
Mối lo về địa chính trị
Trong quá khứ, chương trình Apollo nổi tiếng trong giai đoạn giữa thế kỷ 20 từng đóng vai trò mở đầu cho cuộc chạy đua vào không gian của Mỹ và Liên Xô.
Lúc bấy giờ, khả năng đưa con người lên Mặt Trăng của Mỹ được nhiều người giải thích là bằng chứng về ưu thế công nghệ, cũng như khả năng của một xã hội dân chủ và tư bản chủ nghĩa.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt. Giờ đây, không còn cuộc đua "song mã" giữa Mỹ và Nga. Trung Quốc đã đẩy nhanh những kế hoạch đưa con người lên Mặt Trăng và cho thấy họ hoàn toàn có thể làm điều này.
Nếu Trung Quốc thực sự có thể đưa con người lên Mặt trăng trước Mỹ trong cuộc đua lần này, thế giới có thể coi đây là bằng chứng về vai trò lãnh đạo toàn cầu mới của Trung Quốc, và Mỹ sẽ đánh mất vị thế của mình.
Sự trở lại Mặt Trăng không chỉ là sự cạnh tranh. Nó cũng tạo ra cơ hội cho các quốc gia để tham gia vào các hợp tác quốc tế.
Trong tổng số hơn 20 quốc gia công bố kế hoạch thực hiện các sứ mệnh lên Mặt Trăng, đã có một số nước bao gồm châu Âu, Nhật Bản và Canada... tham gia cùng Mỹ với tư cách là đối tác trên trạm vũ trụ mới quay quanh Mặt Trăng, dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2025.
Ở phía đối diện, chương trình Mặt Trăng của Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự tham gia của hợp tác quốc tế.
Từ năm 2021, Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát triển Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế, với sự hợp tác của Nga. Bên cạnh đó, một số quốc gia cũng được mời tham gia, gồm Thụy Điển, Pháp, Ý, Pakistan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất...
Theo
theconversation.com