2023 NT1 hôm 13/7 tới cách Trái Đất chỉ khoảng 1/4 khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng, nghĩa là rất gần xét trong không gian rộng lớn. Nó di chuyển với tốc độ ước tính 86.000 km/giờ, theo NASA. Tuy nhiên, vì 2023 NT1 lao về phía Trái Đất từ hướng của Mặt Trời, ánh sáng chói lóa của ngôi sao này khiến các kính viễn vọng không thể quan sát được sớm hơn.
Đến ngày 15/7, khi một kính viễn vọng ở Nam Phi thuộc Hệ thống Cảnh báo Cuối cùng về Tác động của Tiểu hành tinh đến Trái Đất (ATLAS) - hệ thống kính viễn vọng được thiết kế để phát hiện sớm tiểu hành tinh vài ngày hoặc vài tuần trước khi xảy ra nguy cơ va chạm - quan sát được 2023 NT1 đang dần rời xa khỏi Trái Đất. Hơn 10 kính viễn vọng khác sau đó cũng phát hiện tiểu hành tinh này, theo Trung tâm Hành tinh Nhỏ thuộc Liên đoàn Thiên văn Quốc tế.
Dù ghé thăm bất ngờ, 2023 NT1 không đủ lớn để được coi là vật thể có khả năng gây nguy hiểm. Sau khi tính toán quỹ đạo của tiểu hành tinh trong thập kỷ tới, các nhà thiên văn cho biết, trước mắt không có nguy cơ xảy ra va chạm. Theo một nghiên cứu gần đây, Trái Đất vẫn an toàn trước các tiểu hành tinh lớn có thể gây ra đại tuyệt chủng trong vòng 1.000 năm tới.
Hướng Mặt Trời là điểm mù nổi tiếng trong quá trình tìm kiếm các tiểu hành tinh gần Trái Đất và 2023 NT1 không phải thiên thạch đầu tiên "qua mặt" giới khoa học. Năm 2013, một tiểu hành tinh dài khoảng 18 m bay theo quỹ đạo tương tự, được ánh sáng chói của Mặt Trời che giấu và chỉ bị phát hiện khi nổ tung trên bầu trời Chelyabinsk, Nga. Vụ nổ tạo ra sóng xung kích làm hư hại các tòa nhà và làm vỡ kính trong phạm vi hàng km xung quanh, khiến gần 1.500 người bị thương.
Giới khoa học đang cẩn thận theo dõi hơn 31.000 tiểu hành tinh gần Trái Đất. Họ cũng hiểu rõ về những nguy hiểm mà điểm mù Mặt Trời gây ra. Để giải quyết, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang nỗ lực triển khai nhiệm vụ NEOMIR. Vệ tinh NEOMIR dự kiến phóng khoảng năm 2030, bay giữa Trái Đất và Mặt Trời để phát hiện những tiểu hành tinh lớn ẩn trong ánh sáng Mặt Trời.
Thu Thảo (Theo Space)