Theo kế hoạch, đến tháng 8 Nhật Bản sẽ xả hàng triệu tấn nước phóng xạ xuống biển. Hành động này khiến nhiều quốc gia e ngại. Trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 19/7 về nguy cơ ảnh hưởng đến vùng biển Việt Nam, ông Phạm Văn Toàn, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng "không tác động". Lý do nước thải được xử lý để loại bỏ gần như toàn bộ chất phóng xạ, ngoại trừ chất phóng xạ tritium (một chất phát quang phóng xạ của Hydro)".
Ông cho rằng, quy trình Nhật Bản xây dựng để thẩm định, trước khi xả thải ra biển sẽ được xử lý bởi hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến để đưa nồng độ phóng xạ của Tritium về dưới tiêu chuẩn quy định.
Ông cho hay, từ tháng 4/2021, kế hoạch xả thải của Nhật Bản được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cùng các chuyên gia đến từ 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, tiến hành thẩm định dựa trên các tiêu chuẩn an toàn của IAEA.
Sau hơn 2 năm làm việc, IAEA hôm 4/7 phê chuẩn kế hoạch xả nước từ nhà máy Fukushima Daiichi ra đại dương. Theo báo cáo, "kế hoạch của Nhật Bản về việc xả nước thải đã qua xử lý ra biển là phù hợp với tiêu chuẩn an toàn của IAEA".
Đánh giá của IAEA cho thấy, nồng độ của các nhân phóng xạ có trong nước ở khoảng cách 30 km so với vị trí dự kiến xả thải có tỷ lệ rất nhỏ so với nồng độ phóng xạ tự nhiên trong nước biển và hầu như không có tác động về mặt phóng xạ đến môi trường biển. Ngoài ra, mức liều bức xạ một người dân Nhật Bản phải nhận do hoạt động xả thải từ 2x107 (0,000002) mSv/năm (mili silvert) đến 3x106 (0,00003) mSv/năm. Con số này được cho là rất nhỏ so với giới hạn liều đối với công chúng do ảnh hưởng của công việc bức xạ theo quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng.
Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daichi bị ảnh hưởng. Sự cố này đã làm phát sinh một lượng lớn nước thải có chứa phóng xạ.
Năm 2021, giới chức Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch xả nước thải đã qua xử lý xuống biển. Nhật Bản cho biết nước thải phóng xạ sẽ trải qua hệ thống lọc để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium. Dù tritium độc hại, nó vẫn tồn tại trong tự nhiên và các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển. Mặc dù vậy, những đánh giá đưa ra bởi IAEA vẫn không thể xua tan nỗi lo và những tranh cãi của ngư dân địa phương, các nước láng giềng, cũng như giới chuyên gia về mức độ an toàn của nguồn nước thải phóng xạ được xả ra biển.
Như Quỳnh