Hoài nghi về hiện tượng người tự bốc cháy

400 năm qua, có hàng trăm báo cáo về hiện tượng kỳ lạ được cho là người tự bốc cháy (SHC), gây ra nhiều sự tò mò và suy đoán.


Hiện tượng người tự bốc cháy là gì?


Sự bốc cháy tự phát xảy ra khi một vật thể cháy mà không có nguồn đánh lửa bên ngoài - ngọn lửa hình thành từ các phản ứng hóa học bên trong vật thể. Trong trường hợp xảy ra ở người, hiện tượng này được gọi là người tự bốc cháy (SHC). Tuy nhiên, SHC vẫn gây nhiều tranh cãi và thiếu lời giải thích khoa học chắc chắn.


Các trường hợp được cho là SHC thường có một số điểm chung: Cơ thể bị phá hủy trong khi những thứ ngay xung quanh gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên, không phải lúc nào toàn bộ cơ thể cũng biến thành tro. Trong một số trường hợp, chỉ có phần thân cháy rụi mà các chi không bị ảnh hưởng.


Ngoài ra, các trường hợp SHC thường không có nguồn nhiệt rõ ràng nào có thể gây cháy. Phần lớn nạn nhân có chung những đặc điểm như là người lớn tuổi, thừa cân, cô lập về mặt xã hội, là phụ nữ, đồng thời đã uống một lượng lớn rượu.


SHC chưa từng được chứng kiến một cách đáng tin cậy. Bất chấp những hoài nghi, đôi khi SHC vẫn được chấp nhận trong pháp y và được liệt kê là nguyên nhân tử vong hợp pháp. Ví dụ, năm 2011, một nhân viên điều tra đã xác định cái chết của một người đàn ông 76 tuổi ở Galway, Ireland là do SHC.


Những trường hợp người tự bốc cháy trong quá khứ


Các trường hợp SHC được ghi nhận từ thế kỷ 17, một số lượng lớn xảy ra vào thế kỷ 19 nhưng chỉ một số ít diễn ra trong 100 năm qua. Hiệp sĩ người Italy Polonus Vorstius là trường hợp tự bốc cháy đầu tiên, theo ghi chép của chuyên gia y học Thomas Bartholin. Vào một buổi tối năm 1470, trong lúc nghỉ ngơi và uống vài ly rượu, Vorstius đột nhiên nôn ra lửa, bốc cháy và bị thiêu chết ngay trước mặt cha mẹ.


Thomas Bartholin ghi lại sự kiện này trong tác phẩm "Historiarum Anatomicarum Rariorum" năm 1641, gần hai thế kỷ sau khi vụ việc xảy ra. Ông cho biết, mình đã nghe con cháu của Vorstius kể lại. Nhưng nhiều người nghi ngờ tính chính xác của câu chuyện do khoảng cách thời gian quá xa.


Một số trường hợp khác xảy ra sau đó, bao gồm cả những trường hợp liên quan đến rượu, dẫn đến giả thuyết cho rằng SHC là quả báo của việc uống quá nhiều rượu. Năm 1851, nhà hóa học Đức Justus von Liebig tiến hành một loạt thí nghiệm và phát hiện, các mẫu giải phẫu được bảo quản trong ethanol 70% không cháy, chuột được tiêm ethanol cũng không cháy, do đó bác bỏ rượu là nguyên nhân duy nhất của SHC.


Không thể đổ lỗi cho rượu, rất nhiều giả thuyết khác được đưa ra, từ khí đường ruột, điện sinh học, ty thể hoạt động quá mức đến cả ma quỷ, nhưng không giả thuyết nào mang nhiều tính khoa học.


Một trong những trường hợp SHC nổi tiếng nhất xảy ra năm 1951, khi góa phụ Mary Reeser bị thiêu chết một cách bí ẩn trong chính căn hộ của mình ở St. Petersburg, Florida, Mỹ. Reeser là một phụ nữ to béo, nặng khoảng 77 kg, theo St. Petersburg Times.


Cơ thể cùng chiếc ghế bành bà ngồi đều cháy rụi, chỉ còn lại bàn chân. Trần nhà và phần tường trên cao phủ kín muội đen, nhưng đồ nội thất và phần tường bên dưới không ảnh hưởng gì. Thám tử Cass Burgess, người điều tra vụ án, khẳng định không có dấu hiệu của những chất gây cháy thường thấy như ête, dầu hỏa hay xăng.


Năm 2009, phóng viên Jerry Blizin, người đưa tin về vụ án năm 1951, lật lại sự việc và bổ sung thêm những chi tiết mới. Theo đó, FBI kết luận lượng mỡ trong cơ thể Reeser chính là nhiên liệu cho ngọn lửa bùng phát. Vào buổi tối định mệnh, Reeser nói với con trai rằng mình bỏ bữa tối để uống hai viên thuốc ngủ. Lần cuối con trai nhìn thấy Reeser là khi bà ngồi trên ghế bành và hút thuốc.


Lời giải thích thời hiện đại


"Lời giải thích khả dĩ nhất là hiệu ứng sợi bấc. Ví dụ, những người nghiện rượu sống cô lập, thừa cân và đang quấn chăn có thể làm đổ một ít rượu họ đang uống, sau đó làm rơi điếu thuốc đang cháy - tất cả những điều này dẫn đến quá trình bốc cháy chậm", IFLScience hôm 17/7 dẫn lời của Roger Byard, giáo sư Bệnh lý học tại Đại học Adelaide, Australia.


Về cơ bản, hiệu ứng sợi bấc đòi hỏi một nguồn đánh lửa bên ngoài khiến mỡ trong cơ thể tan chảy. Từ vết rách trên da, chất béo sẽ thấm vào quần áo - đóng vai trò như bấc nến - và cháy trong thời gian dài ở nhiệt độ tương đối thấp.


Người ta đã chứng minh rằng một sợi bấc vải trong mỡ người nóng chảy có thể tiếp tục cháy ở nhiệt độ thấp đến 24 độ C, theo Byard. Điều này được coi là lời giải thích cho quy mô đám cháy hạn chế, một số bộ phận cơ thể và quần áo liền kề không bị ảnh hưởng. Toàn bộ quá trình có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi rượu đổ ra quần áo, đặc biệt nếu nạn nhân hút thuốc.


Hiệu ứng sợi bấc - phát sinh từ một nguồn đánh lửa bên ngoài bị bỏ sót - hiện là lời giải thích khoa học phổ biến cho các trường hợp SHC. "SHC chắc chắn không có thật. Con người có bốc cháy nhưng không tự phát. Đó là lý do không có trường hợp nào thực sự xảy ra dưới sự quan sát đáng tin cậy", Byard nhận định.


Thu Thảo (Theo IFL Science)









Hoai nghi ve hien tuong nguoi tu boc chay


400 nam qua, co hang tram bao cao ve hien tuong ky la duoc cho la nguoi tu boc chay (SHC), gay ra nhieu su to mo va suy doan.

Hoài nghi về hiện tượng người tự bốc cháy

400 năm qua, có hàng trăm báo cáo về hiện tượng kỳ lạ được cho là người tự bốc cháy (SHC), gây ra nhiều sự tò mò và suy đoán.
Hoài nghi về hiện tượng người tự bốc cháy
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: