Tên lửa đẩy
Tên lửa đẩy thế hệ tiếp theo mang tên Trường Chinh 10 với hai phiên bản có và không có động cơ đẩy tăng cường. Cả hai đều gồm tầng thứ nhất, tầng thứ hai, tầng thứ ba, tháp thoát hiểm và vỏ bảo vệ.
Phiên bản có động cơ đẩy tăng cường sẽ đưa trạm đổ bộ Mặt Trăng và tàu vũ trụ tới quỹ đạo chuyển tiếp Mặt Trăng. Phiên bản này cao 92 m với trọng lượng cất cánh 2.678 tấn, mạnh hơn đáng kể so với tên lửa đẩy mạnh nhất Trung Quốc hiện nay, Trường Chinh 5 với trọng lượng cất cánh khoảng 800 tấn và lực đẩy hơn 1.000 tấn.
Tầng tên lửa mới có đường kính 5 m và động cơ đẩy tăng cường có cùng đường kính, theo Rong Yi, thiết kế trưởng của tên lửa đẩy Trường Chinh 2F. "Ưu tiên hàng đầu là khả năng mang trọng lượng lớn, điều cần thiết cho nhiệm vụ Mặt Trăng có phi hành đoàn. Vì vậy, chúng tôi hy vọng tên lửa sẽ mang được trọng tải 27 tấn lên quỹ đạo chuyển tiếp Mặt Trăng hoặc 70 tấn lên quỹ đạo Trái Đất thấp, nặng gấp ba lần so với hàng hóa Trường Chinh 5 có thể chở", bà nói.
Phiên bản không có động cơ đẩy tăng cường giúp tiết kiệm chi phí vận hành, được thiết kế cho các nhiệm vụ đến trạm vũ trụ. Tầng đầu tiên của tên lửa dự kiến có thể tái chế.
Trung Quốc sẽ tiến hành một số nhiệm vụ thử nghiệm không có phi hành đoàn trước khi Trường Chinh 10 được đưa vào sử dụng cho nhiệm vụ chở người đầu tiên, dự kiến diễn ra năm 2027.
Tàu vũ trụ chở người mới
Quá trình phát triển tàu chở người mới cũng đang diễn ra. Con tàu áp dụng thiết kế module, nghĩa là có thể lắp ráp với nhiều bộ phận cho các mục đích khác nhau, bất kể thực hiện nhiệm vụ ở quỹ đạo Trái Đất thấp hay trong không gian sâu. Tàu vũ trụ mới gồm tháp thoát hiểm, khoang hồi quyển (quay trở lại khí quyển) và khoang thiết bị.
Phi hành đoàn sẽ ở lại và điều khiển tàu vũ trụ trong khoang hồi quyển. Tháp thoát hiểm có thể đưa khoang hồi quyển tách khỏi tên lửa nếu quá trình cất cánh gặp sự cố, bảo vệ an toàn cho phi hành đoàn. Khoang thiết bị cung cấp sức đẩy và năng lượng cho tàu vũ trụ. Con tàu nặng khoảng 26 tấn và chở được ba phi hành gia, theo Zhang Hailian, phó thiết kế của Chương trình không gian có phi hành đoàn Trung Quốc.
Zhang tiết lộ, Trung Quốc cũng đang cân nhắc phát triển tàu vũ trụ cho quỹ đạo Trái Đất thấp dựa trên nghiên cứu hiện tại. "Nó sẽ chở chở 4 - 7 hành khách, tạo điều kiện cho du lịch vũ trụ. Khoang hồi quyển, tháp thoát hiểm và tàu vũ trụ sẽ gần như không thay đổi, chỉ trừ khoang thiết bị", ông nói.
Trạm đổ bộ Mặt Trăng
Trạm đổ bộ nặng khoảng 26 tấn, gồm một module Mặt Trăng và một module đẩy. Nó có thể đưa hai phi hành gia đáp xuống bề mặt Mặt Trăng. Module Mặt Trăng là khoang chở người, trong khi module đẩy giúp thực hiện quá trình phanh gần bề mặt, khiến trạm lao xuống chậm lại để hạ cánh nhẹ nhàng. "Phương tiện này cực kỳ nhạy cảm với trọng lượng nên chúng tôi cần duy trì trọng lượng nhẹ với thiết kế tích hợp", Zhang nói.
Trạm đổ bộ sử dụng thiết kế nhẹ để tăng hiệu quả cấu trúc, đồng thời có chức năng dự phòng năng lượng. Trạm cũng có khả năng bay tự động. Zhang giải thích, công việc của trạm là đưa các phi hành gia từ quỹ đạo quanh Mặt Trăng xuống bề mặt, sau đó quay trở lại quỹ đạo.
Xe thám hiểm và phòng thí nghiệm di động
Nặng 200 kg, xe thám hiểm sẽ là phương tiện vận chuyển cho tối đa hai phi hành gia để họ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu trên Mặt Trăng. "Phi hành gia có thể thu thập mẫu đất đá và tiến hành thí nghiệm trên Mặt Trăng trong phạm vi 10 km", Zhang cho biết.
Ngoài xe thám hiểm, Trung Quốc còn dự định đưa một phòng thí nghiệm di động lên Mặt Trăng, có thể di chuyển tự động trong phạm vi rộng, theo Zhang. Phi hành đoàn cũng có thể ở trong đó một thời gian ngắn.
"Trong tương lai, có lẽ chúng ta có thể xem xét việc xây dựng các cơ sở bằng tài nguyên Mặt Trăng để mở rộng trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng. Đó là một ý tưởng sơ khai, cần thêm các bước để kiểm chứng xem nó có hiệu quả hay không", Zhang nói.
Thu Thảo (Theo CGTN)