Tháng 6/2023 là tháng nóng nhất trong lịch sử, nhưng giới chuyên gia dự đoán tháng 7 thậm chí còn có thể nóng hơn. Tháng 7 bắt đầu với tuần nóng nhất từ trước tới nay trên Trái Đất, theo dữ liệu của Tổ chức Khí tượng học Thế giới. Hơn 100 triệu người Mỹ có thể chịu nhiệt độ cao quá mức, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia. Đặc biệt, Thung lũng Chết ở California có thể đạt nhiệt độ cao nhất trong tuần, dẫn tới Cơ quan Thời tiết Quốc gia khuyến cáo người dân cần uống đủ nước và tránh hoạt động quá sức ngoài trời.
Nhiệt độ mùa hè ở Vườn quốc gia Thung lũng Chết thường ở mức 48,9 độ C do vùng núi xung quanh giữ lại không khí nóng trong bồn địa hẹp dài của thung lũng. Tuy nhiên, nhiệt độ có thể lên tới trên 54,4 độ C vào tuần này, kỷ lục về nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất, theo Scientific American. Người dân ở Phoenix, Arizona, phải điều trị bỏng cấp độ 2 gây ra bởi vỉa hè nắng cháy. Nhiệt độ tại đó ở mức trên 43,3 độ C trong hai tuần qua.
Mỹ không phải là ngoại lệ. Nắng nóng đang thiêu đốt châu Âu, Trung Đông, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco. Con người giải phóng nhiều khí carbon dioxide và methane đến mức làm thay đổi khí hậu Trái Đất, góp phần khiến sự kiện thời tiết cực đoan kéo dài và thường xuyên hơn. Hạn hán liên tiếp nhiều năm và nhiệt độ cao hơn mức trung bình khiến hồ chứa nước ngọt duy nhất ở Uruguay gần như khô cạn. Hơn một nửa dân số nước này không có nước máy sạch để sử dụng, theo Guardian.
Áp lực khí hậu cũng đang tác động tới miền bắc Argentina và phía nam Patagonia. Tương tự, ở Iraq, tình trạng thiếu nước đang ảnh hưởng tới nông nghiệp và sản xuất lương thực. "Thời tiết cực đoan ngày càng thường xuyên do khí hậu ấm lên, đang ảnh hưởng mạnh đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và cung cấp nước. Điều này nêu bật nhu cầu cấp thiết là cắt giảm lượng thải khí nhà kính nhanh và nhiều hết mức có thể", Petteri Taalas, tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới, nhấn mạnh.
An Khang (Theo Business Insider)