Nằm ở độ cao ấn tượng 3.810 m so với mực nước biển, hồ Titicaca trên dãy Andes, Nam Mỹ, được nhiều người cho là hồ cao nhất thế giới. Nhưng thực tế, hồ nước nổi tiếng này vẫn xếp sau 14 hồ khác, thậm chí hồ cao nhất trong số đó nằm ở độ cao lớn hơn tới 2.500 m so với Titicaca.
Dù không đứng số một thế giới theo số liệu, Titicaca vẫn là hồ cao nhất mà các tàu lớn có thể qua lại và là hồ trên núi lớn nhất thế giới. Hồ nước này rộng 8.300 km2, lớn thứ hai ở Nam Mỹ, chỉ sau hồ Maracaibo.
Titicaca có đặc điểm địa chất phức tạp và ấn tượng, đồng thời cũng là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng bản địa. Trải dài 190 km và sâu 140 - 180 m, hồ nhận nước từ hơn 25 con sông, với sông Ramis nuôi dưỡng tới 2/5 toàn bộ vùng hồ.
"Hàng xóm" của Titicaca, hồ Ojos del Salado trên dãy Andes, mới thực sự là hồ nước cao nhất thế giới. Dù diện tích bề mặt nhỏ với đường kính khoảng 100 m, Ojos del Salado lại nằm ở độ cao lên tới 6.390 m so với mực nước biển - gần gấp 8 lần chiều cao của Burj Khalifa, tòa nhà cao nhất thế giới tại Dubai. Khu vực xung quanh hồ là một phần của cấu trúc núi lửa khổng lồ ở dãy Andes, nơi chứa ngọn núi lửa cao nhất thế giới.
Đạt tới độ cao 6.879 m so với mực nước biển, núi lửa Ojos del Salado từng hoạt động trong thế Pleistocene (diễn ra cách đây khoảng 2,6 triệu năm - 11.700 năm) và thế Holocene (diễn ra từ 11.700 năm trước cho đến nay) khi dòng dung nham tạo ra các gò đất và chỗ trũng, một số trong đó sau này chứa đầy nước và trở thành hồ. Núi lửa này đang "ngủ đông", nghĩa là đã ngừng hoạt động một thời gian dài nhưng vẫn có thể phun trào trong tương lai.
Một lượng lớn hồ trên cao hình thành từ các miệng núi lửa ở châu Á hoặc Nam Mỹ. Ngoài hồ Titicaca và Ojos del Salado, Nam Mỹ còn có Licancabur, hồ cao thứ 9 trên thế giới. Hồ Licancabur nằm ở Chile với độ cao 5.916 m. Hồ nước này có mức bức xạ siêu cao, tạo ra một môi trường tương tự bề mặt sao Hỏa.
Một hồ nước khác của Chile, cao tới 6.206 m, nằm trên đỉnh núi lửa Nevado de Tres Cruces, phun trào lần cuối cách đây 28.000 năm. Khu vực này nổi tiếng với những chuyến thám hiểm lặn sâu xuống nước có bình dưỡng khí.
Hồ Lhagba, nằm cách đỉnh Everest vài km về phía bắc, từng là hồ nước cao nhất của dãy Himalaya và cao thứ hai thế giới với độ cao khoảng 6.368 m. Tuy nhiên, ảnh vệ tinh cho thấy hồ nước này đã khô cạn.
Thu Thảo (Theo IFL Science)