Thông tin được ông nói tại Hội nghị Nhóm Tư vấn Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA Caucus) lần thứ 14 được tổ chức tại Phú Quốc, Kiên Giang, sáng 10/7. Hội nghị có chủ đề "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững".
Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Với mục tiêu này, việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp. "Mô hình này còn rất ít dư địa, xu hướng chững lại, nguy cơ đưa nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế", Thứ trưởng Định nói.
Theo ông, trong giai đoạn tới, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam cần tập trung vào mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đây là nền tảng để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ, sớm đạt ngang tầm với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thứ trưởng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp cơ quan của Quốc hội xây dựng và rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ. Hành lang pháp lý thúc đẩy ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống ngày càng được hoàn thiện.
Theo Nghị quyết kỳ họp 5 vừa qua, Quốc hội yêu cầu tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này; xây dựng cơ chế khuyến khích nhà khoa học tại viện nghiên cứu, trường đại học dành thời gian nghiên cứu, làm việc tại doanh nghiệp.
Ông cho biết giai đoạn tới, Quốc hội yêu cầu tập trung hình thành hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trong năm 2023, thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói những năm qua, Việt Nam đã có bước tiến đáng kể, đứng vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế về đổi mới sáng tạo và thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. "TP HCM đang tiến sát top 100 thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu với thứ hạng 111. Việt Nam hiện có 4 kỳ lân startup được định giá từ một tỷ USD trở lên", ông nói.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng phục vụ khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo là đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh mới, giúp Việt Nam sử dụng nguồn lực hiệu quả. Đây cũng là những thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp cần chuyển đổi theo hướng kinh doanh bền vững.
Cùng với đó, Chính phủ, bộ ngành cần tháo gỡ các điểm nghẽn trong huy động nguồn lực và đẩy mạnh đầu tư, phát triển mạng lưới khoa học - công nghệ thông qua chương trình tài trợ vốn; đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao, công nghệ cao như chip, bán dẫn, hydrogen xanh, trung tâm tài chính; công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp thông minh.
AIPA Caucus được thành lập tại Đại hội đồng liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) lần thứ 28 năm 2007 tại Malaysia. Nhiệm vụ chính là giúp Ban Chấp hành giám sát việc triển khai các Nghị quyết của AIPA ở các quốc gia thành viên, tạo cơ hội để các quốc gia thành viên trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực cùng quan tâm.
Sơn Hà