Số lần tránh va chạm của vệ tinh Starlink tăng mạnh làm dấy lên mối lo ngại về tính bền vững của các hoạt động vệ tinh trong bối cảnh hàng nghìn phương tiện vũ trụ mới sẽ phóng lên quỹ đạo trong những năm tới. Con số 25.299 lần được đưa ra trong báo cáo do SpaceX trình lên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) hôm 30/6. Như vậy, kể từ khi phóng tàu vũ trụ Starlink đầu tiên vào năm 2019, các vệ tinh của SpaceX đã buộc phải di chuyển hơn 50.000 lần để tránh va chạm.
"Hiện tại, số lần điều chỉnh đường bay đang tăng lên theo cấp số nhân. Cứ mỗi 6 tháng, con số này lại tăng gấp đôi. Việc gia tăng theo cấp số nhân dẫn đến vấn đề là sẽ rất nhanh đạt tới mức cực lớn", Hugh Lewis, giáo sư ngành du hành vũ trụ tại Đại học Southampton, cho biết.
Nếu xu hướng này tiếp tục, đến năm 2028, các vệ tinh Starlink sẽ phải điều chỉnh đường bay gần một triệu lần chỉ trong 6 tháng để giảm nguy cơ va chạm trên quỹ đạo. Lewis cũng không cho rằng sự gia tăng sẽ sớm chậm lại. Đến nay, SpaceX đã triển khai khoảng 1/3 mạng lưới 12.000 vệ tinh thế hệ đầu tiên theo kế hoạch, phóng với tốc độ đều đặn hơn 800 vệ tinh mỗi năm và dự kiến tiếp tục duy trì trong tương lai gần.
Tuy nhiên, 12.000 vệ tinh này chỉ là bước khởi đầu. FCC đã chấp thuận một phần kế hoạch cho mạng lưới Starlink thế hệ thứ hai, có thể chứa tới 30.000 vệ tinh. Những mạng lưới vệ tinh khác trên khắp thế giới, ví dụ Dự án Kuiper của Amazon và Guowang của Trung Quốc, cũng đang tranh giành các vị trí trên quỹ đạo.
Hiện có khoảng 10.500 vệ tinh quay quanh Trái Đất, trong đó 8.100 vệ tinh đang hoạt động, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Tuy nhiên, hơn 1,7 triệu vệ tinh đã được đăng ký với Liên minh Viễn thông Quốc tế, theo Joanne Wheeler, chuyên gia về quy định vệ tinh tại công ty Alden Legal, đồng thời là chủ tịch tổ chức Mạng lưới Tài chính Vệ tinh tại Anh. Dù không phải tất cả các kế hoạch này đều có thể hiện thực hóa, nhưng con số quá lớn khiến những chuyên gia như Lewis lo ngại về khả năng duy trì trật tự trên quỹ đạo.
Vệ tinh mới không phải là nguyên nhân duy nhất khiến số lần điều chỉnh quỹ đạo để tránh va chạm ngày càng tăng. Số lượng rác vũ trụ - gồm tàu vũ trụ không hoạt động, tầng tên lửa cũ và nhiều vật thể khác - cũng tiếp tục tăng lên, khiến các nhà vận hành ngày càng khó đảm bảo an toàn cho phương tiện vũ trụ của mình.
Thu Thảo (Theo Space)