Ngày 6/7 tại TP.HCM, Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cùng các đối tác đã khai mạc “Hội nghị và Triển lãm Biztech Việt Nam 2023. Đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức nhằm mục đích kết nối B2B, thúc đẩy chuyển đổi số khối doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, mục tiêu của TP.HCM đến năm 2030 là trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện, hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, hiện TP.HCM có 268.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp Thông tin – Truyền thông có khoảng 7.000 và đóng góp cho GRDP năm 2022 là 1.479.227 tỉ đồng. Hiện tỉ lệ kinh tế số của TP.HCM đóng góp cho GRDP hàng năm tăng khoảng 8%, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 chiếm 25% và đến năm 2030 là 40%.
Để đạt được mục tiêu như trên, TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, trong đó quan trọng là việc truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân và doanh nghiệp. Cụ thể, Thành phố có các sản phẩm tập trung tuyên truyền về chuyển đổi số như cổng chuyển đổi số TP.HCM, bản tin chuyển đổi số hàng tháng, tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra giải pháp về chuyển đổi số…
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng phát triển hạ tầng số, đặc biệt là phát triển chính quyền số, trong đó hỗ trợ trực tuyến giải quyết các thủ tục hành chính của Thành phố, tiến hành đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền, ra mắt cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp và cổng 1022 tiếp nhận và giải đáp thông tin… Ngoài ra, Thành phố cũng phát huy sứ mệnh của các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm công nghệ số, triển khai đồng bộ các chương trình của thành phố.
Bà Võ Thị Trung Trinh cho rằng, với các giải pháp hỗ trợ sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công và giúp phát triển kinh tế số để TP.HCM đạt được mục tiêu đưa ra như trên. Đồng thời bà cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số hiện nay không phải là khó khăn về công nghệ mà quan trọng là nhận thức và nhận thức chuyển đổi số như thế nào, thách thức phần lớn nằm ở con người.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện doanh nhân MVV cũng chia sẻ, khi nói về chuyển đổi số mọi người tập trung nhiều vào công cụ mà quên mất chuyển đổi số ở đây quan trọng là chuyển đổi về mặt tư duy. Thực tế hiện nay về công nghệ, các giải pháp chuyển đổi số của Việt Nam không thua kém nước ngoài, trước đây một số lĩnh vực công nghệ trong nước không thể cạnh tranh được, nhưng ngày nay đã có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng.
Chính vì thế, để chuyển đổi số thành công phải có tư duy hoàn toàn mới về cấu trúc doanh nghiệp, mô hình kinh doanh, thị trường và người dùng. Doanh nghiệp phải có sự nhanh nhạy, xem đó vừa là thách thức vừa là cơ hội và sẵn sàng cạnh tranh, mà ở đây không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thể chế để chấp nhận cái mới. Bởi chuyển đổi số là thay đổi cách thức vận hành, nên thể chế phải thay đổi trước để chuyển đổi số có thể phát huy hiệu quả. Ngoài ra, một thách thức lớn về chuyển đổi số nữa chính là nhân lực số. Theo ông Sơn, vấn đề này không chỉ ở các nước đang phát triển mà cả những nước phát triển.
Về chuyển đổi số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần MISA cho biết, ở mỗi giai đoạn khác nhau nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp khác nhau. Đa phần các doanh nghiệp đều mong muốn các giải pháp chuyển đổi số phải dễ dàng triển khai, rẻ và nhanh. Nhưng ông cho biết, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó chính là không biết chọn giải pháp nào, các giải pháp rời rạc, mỗi bộ phận phòng ban dùng một giải pháp khác nhau nên không kết nối được với nhau dẫn đến thông tin phải nhập đi nhập lại, dữ liệu phân mảnh; Đồng thời phải thay giải pháp khi doanh nghiệp phát triển do một số giải pháp chỉ phù hợp với một giai đoạn phát triển doanh nghiệp khi cần thay thế khó kế thừa dữ liệu lịch sử; Bên cạnh đó, chi phí cao cũng khiến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận các giải pháp ERP một cách toàn diện.
Theo ông Lê Hồng Quang, hiện vấn đề trên cũng đã được khắc phục, khi các giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp như MISA cung cấp đã chia thành các gói nhỏ cung cấp phù hợp cho quy mô từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT hay VINASA cũng đã xây dựng khung chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đi kèm đó là hỗ trợ các chuyên gia tư vấn các giải pháp hoàn toàn miễn phí.
Về hạ tầng riêng, giờ doanh nghiệp nhỏ cũng không phải lo khi đã có các dịch vụ Cloud dùng đến đâu trả tiền đến đó cho nhà cung cấp. Ngoài ra, MISA cũng kết hợp với Bộ TT&TT cùng các sở, ngành địa phương đưa ra các chương trình dùng thử từ 3-6 tháng cho doanh nghiệp. Mới đây, công ty cũng đã tiến hành tặng giải pháp văn phòng số cho 10.000 doanh nghiệp, mỗi gói có giá trị 6-7 triệu đồng.
Thách thức lớn với chuyển đổi số Việt Nam là nhiều dữ liệu không mởViện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần thúc đẩy các nền tảng mở, dữ liệu mở, khuyến khích các nền tảng chia sẻ trong kinh tế.