Dữ liệu mới xác nhận chu kỳ Mặt Trời thứ 25 bắt đầu và đang tăng dần cường độ ở tốc độ nhanh hơn mức NASA và Cực quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) dự đoán, dấy lên lo ngại về những sự kiện thời tiết vũ trụ nghiêm trọng sẽ diễn ra trong nhiều tháng và nhiều năm tới. Các cơ quan vũ trụ dự đoán số lượng vết đen tối đa hàng tháng trong thời kỳ cực đại của chu kỳ Mặt Trời thứ 25 sẽ đạt mức 125, nhưng hiện nay ngôi sao đang trên lộ trình đạt đỉnh với gần 200 vết đen/tháng. Một số nhà khoa học cho rằng mức đỉnh này có thể xảy ra chỉ trong vòng một năm.
Hôm 2/7, nhà vật lý Keith Strong thông báo số lượng vết đen Mặt Trời trong tháng 6/2023 là 163,4, giá trị cao nhất tính từ năm 2002. Vết đen Mặt Trời là khu vực tối và mát hơn trên bề mặt ngôi sao có từ trường mạnh dày đặc. Một trong những vết đen hôm 2/7 tạo ra lóa Mặt Trời rất mạnh, gây mất tín hiệu vô tuyến tạm thời ở miền tây nước Mỹ và Thái Bình Dương, theo Spaceweather.com. Sự kiện tương tự có thể trở nên phổ biến hơn trong tương lai gần khi chu kỳ Mặt Trời tiến gần tới pha cực đại.
Trái với dự đoán của NASA và NOAA, pha cực đại này có thể trở nên khá đáng sợ. Nhiều vết đen hơn kéo theo nhiều vết lóa và cơn phun trào vành nhật hoa (hoạt động phun trào hạt tích điện mạnh tạo ra bão Mặt Trời). Những cơn gió Mặt Trời dữ dội có thể xuyên qua từ trường Trái Đất và khiến các hạt trong khí quyển tích điện, sinh ra cực quang nhưng cũng gây ra vấn đề nghiêm trọng cho lưới điện và vệ tinh trên quỹ đạo.
Tom Berger, nhà vật lý kiêm giám đốc Trung tâm công nghệ thời tiết vũ trụ ở Đại học Colorado, Boulder, cho biết sau khi một cơn bão Mặt Trời lớn tràn qua Trái Đất vào tháng 10/2003, nhà vận hành vệ tinh mất liên lạc với hàng trăm tàu vũ trụ trong vài ngày do mật độ khí gas tăng ở lớp dày nhất của khí quyển. Đây là quỹ đạo thấp của Trái Đất, nơi nhiều vệ tinh cũng như trạm Vũ trụ Quốc tế, hoạt động. "Trong những cơn bão lớn nhất, vật thể có thể bay chệch hàng chục kilomet so với vị trí trước đó mà radar định vị. Chúng tạm thời mất tích và giải pháp duy nhất để tìm kiếm là dùng radar", Berger giải thích.
Giới chuyên gia lo ngại do số lượng vệ tinh và mảnh rác vũ trụ ở quỹ đạo thấp tăng lên, tình huống như vậy có thể gây ra tình trạng hỗn loạn kéo dài hàng tuần. Nguy cơ va chạm với mảnh rác vũ trụ cũng đặc biệt cao. Hồi tháng 2/2022, SpaceX mất 40 vệ tinh Starlink mới sau khi phóng thiết bị giữa cơn bão Mặt Trời nhẹ. Các vệ tinh không thể bay lên quỹ đạo dự kiến do chịu ảnh hưởng từ lực kéo ngoài dự kiến. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng gặp vấn đề tương tự năm ngoái sau khi 3 vệ tinh Swarm nghiên cứu từ trường bắt đầu giảm dần độ cao ở tốc độ chưa từng thấy. Nhà vận hành phải dùng động cơ đẩy trên tàu để ngăn chúng rơi xuống Trái Đất.
Trong sự kiện cực đoan, hạt tích điện từ Mặt Trời thậm chí có thể phá hủy thiết bị điện tử trên tàu vũ trụ, gây gián đoạn tín hiệu GPS và làm hư hỏng lưới điện trên Trái Đất. Nhà nghiên cứu vật lý Robert Leamon của NASA dự đoán những cơn bão Mặt Trời tồi tệ nhất thường xuất hiện trong pha suy thoái của chu kỳ Mặt Trời. Các chuyên gia dự báo thời tiết vũ trụ đang tiếp tục theo dõi vết đen trên bề mặt Mặt Trời.
An Khang (Theo Space)