Nhiệt độ ở Bắc bán cầu có thể cao, nhưng hôm 6/7, Trái Đất sẽ ở điểm xa Mặt Trời nhất trong năm nay. Đó là củng điểm, thuật ngữ đến từ tiếng Hy Lạp "apo" (xa) và "helios" (Mặt Trời). Cách Trái Đất xoay tròn trong khi quay quanh Mặt Trời có thể lý giải tại sao hành tinh trải qua nắng nóng thiêu đốt trong khi ở xa Mặt Trời nhất, theo Live Science.
Các nhà thiên văn học gọi khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trời là đơn vị thiên văn (AU), xấp xỉ 150 triệu km, theo định nghĩa của Liên đoàn Thiên văn học Quốc tế (IAU). Tuy nhiên, quỹ đạo hình elip của Trái Đất quanh Mặt Trời có nghĩa mỗi năm, có một ngày Trái Đất ở gần Mặt Trời nhất (điểm cận nhật) và một ngày xa Mặt Trời nhất (củng điểm). Năm 2023, điểm cận nhật rơi vào ngày 4/1, khi Trái Đất cách Mặt Trời 0,98 AU (146.605.913 km). Hôm 6/7, ở củng điểm, Trái Đất sẽ cách Mặt Trời 1,01 AU (151.093.849 km).
Điểm cận nhật và củng điểm được chú ý lần đầu tiên vào thế kỷ 17 bởi nhà thiên văn học Johannes Kepler, người tính toán các hành tinh di chuyển theo quỹ đạo elip quanh Mặt Trời. Ông nhận thấy một hành tinh di chuyển nhanh nhất khi ở điểm cận nhật và chậm nhất khi ở củng điểm, theo NASA. Điều đó khiến mùa hè ở Bắc bán cầu dài hơn vài ngày so với mùa hè ở Nam bán cầu.
Dù khác biệt giữa điểm cận nhật và củng điểm có thể là vài triệu km, chênh lệch này hầu như không ảnh hưởng tới nhiệt độ Trái Đất. Vào tháng 7, Bắc bán cầu nghiêng về phía Mặt Trời nên được Mặt Trời chiếu sáng trọn vẹn vào mùa hè, khiến ngày dài và nóng hơn. Trong khi đó, Nam bán cầu quay ra xa Mặt Trời nên ngày ngắn và mát hơn.
Dù Trái Đất tiến tới củng điểm chỉ vài tuần sau ngày hạ chí tháng 6 và tới điểm cận nhật sát ngày đông chí tháng 12, hai sự kiện không liên quan tới nhau. Thời gian chính xác phụ thuộc vào biến động của quỹ đạo Trái Đất. Từ thế kỷ 13, cứ 58 năm, thời điểm cận nhật và củng điểm lại chệch đi một ngày.
An Khang (Theo Live Science)