Sự việc xảy ra tại một ngôi làng ở thị trấn Kollegal, nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên BRT (bang Karnataka, Ấn Độ) vào ngày 28/6 vừa qua, khi cô bé Susheela đang chơi một mình trong sân nhà thì bị một con báo hoa mai lao đến tấn công và tha đi.
Nghe thấy tiếng khóc và la hét của con gái, Ramu - cha của cô bé - đã lập tức chạy ra và bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng con gái 6 tuổi của mình bị con báo tha đi.
Dù rất sốc trước những gì diễn ra, Ramu vẫn liều lĩnh đuổi theo con báo để giải cứu cho Susheela. Những người hàng xóm xung quanh cũng đã chạy theo để hỗ trợ Ramu giải cứu con gái.
Báo hoa mai có tốc độ nhanh hơn con người, nhưng do con vật phải tha theo cô bé khiến nó không thể chạy nhanh, điều này giúp dân làng có thể đuổi kịp con báo.
Ramu và dân làng đã sử dụng gậy gộc, đất đá ném vào con báo để giải cứu cho cô bé Susheela. Giật mình khi bị dân làng bao vây và tấn công, con báo hoa mai đã thả cô bé Susheela xuống một rãnh đất sâu rồi bỏ chạy vào rừng.
Đây là rãnh đất được người dân đào xung quanh làng để ngăn chặn các loài thú rừng xâm nhập vào làng, đặc biệt là voi, hổ và báo hoa mai.
Cô bé Susheela lập tức được đưa đến bệnh viện với nhiều vết thương trên đầu, mặt, cổ và bụng. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật để cứu mạng cô bé. Hiện tình trạng sức khỏe của Susheela đã dần được ổn định và không còn nguy hiểm đến tính mạng.
Dù cô bé Susheela được cứu nhưng sự việc cũng khiến dân làng bàng hoàng và lo lắng.
Theo truyền thông địa phương, mặc dù ngôi làng nằm trong khuôn viên của một khu bảo tồn thiên nhiên, nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, nhưng đây là lần đầu tiên thú dữ đi vào làng và tấn công con người.
Lực lượng kiểm lâm Ấn Độ đã có mặt tại ngôi làng để lắp đặt hệ thống bẫy ảnh xung quanh ngôi làng, với hy vọng có thể phát hiện được con báo để bắt giữ.
Chính quyền địa phương cảnh báo người dân không đi ra ngoài vào ban đêm, phải đi thành từng nhóm người khi làm việc trên các cánh đồng và nên mang theo các loại vũ khí như dao, rựa… khi đi ra ngoài để đề phòng báo tấn công.
Dù Ấn Độ đã lập những khu bảo tồn thiên nhiên để bảo vệ các loài động vật hoang dã, người dân vẫn xâm nhập vào các khu bảo tồn để lập làng, làm nông nghiệp và chăn thả gia súc… Điều này làm mất môi trường sống của nhiều loài động vật và tăng tỷ lệ đụng độ giữa con người và các loài động vật hung dữ.
Các hành động tấn công, săn bắt, giết chết hoặc đặt bẫy động vật hoang dã là hành vi vi phạm Đạo luật Bảo vệ Động vật Hoang dã tại Ấn Độ và người vi phạm có thể bị xử phạt nặng, thậm chí phải ngồi tù.
Tuy nhiên, việc người dân ở những ngôi làng gần rừng và trong các khu bảo tồn thiên nhiên ở Ấn Độ thường xuyên bị các loài động vật hoang dã như báo hoa mai, voi… tấn công khiến họ phải tự tìm cách phản công chống lại và giết chết các loài động vật này, thay vì chờ cơ quan chức năng xử lý.
Theo TOI/Newsable