Tính đến nay, 2016 vẫn là năm nóng nhất từng ghi nhận. Đó cũng là lần gần nhất thế giới trải qua kiểu thời tiết El Nino, kết hợp với những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, báo cáo từ các tổ chức uy tín trên thế giới đang cho rằng năm 2023 đang dần tiến đến cột mốc này, và thậm chí có thể vượt qua, để trở thành năm nóng nhất.
Theo Copernicus, chương trình quan sát Trái Đất của Liên minh Châu Âu, điều kiện thời tiết toàn cầu đang cho thấy tình trạng nóng lên bất thường tại nhiều nơi trên thế giới. Cụ thể, chúng ta vừa trải qua tháng 5 nóng thứ hai trong lịch sử, và tháng 4 cũng nằm trong top những tháng nóng nhất từ trước tới nay.
Đỉnh điểm diễn ra vào ngày 9/6 vừa qua, khi nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu đo được là 16,7 độ C, chỉ thấp hơn 0,1 độ C so với kỷ lục nóng nhất được ghi nhận vào ngày 13/8/2016.
Giới chức Ấn Độ ngày 18/6 ghi nhận 96 trường hợp tử vong ở 2 bang đông dân nhất nước này trong bối cảnh quốc gia tỷ dân đang quay cuồng vì nắng nóng trong những ngày qua.
Theo khoa học, một trong những nguyên nhân chính của sự gia tăng nhiệt độ bất thường này là sự ấm lên bên trong và phía trên bề mặt của đại dương.
Từ nhiều tháng trước, các tổ chức khoa học đã cảnh báo rằng nhiệt độ mặt nước biển đang ở mức cao kỷ lục, do một loạt đợt nắng nóng trên khắp thế giới. Cụ thể, ở Bắc Đại Tây Dương vào ngày 11/6, nhiệt độ đạt mức 22,7 độ C, cao hơn 0,5 độ C so với mức cao nhất tháng 6 trước đó, được thiết lập vào năm 2010.
Hiện, các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao đại dương lại nóng lên nhanh như vậy. Đáng lo ngại hơn, hiện tượng El Nino chỉ mới "chớm" xuất hiện, và vẫn chưa đạt đỉnh cho tới cuối năm. Điều này đồng nghĩa với việc nước biển có thể sẽ còn thiết lập những kỷ lục mới.
Báo cáo của Copernicus thậm chí cho rằng Trái Đất đang tiến dần đến ranh giới của những điều "chưa được khám phá", khi một loạt các kỷ lục về nhiệt độ và sự hỗn loạn của khí hậu bị xô đổ.