Các nước đều lo lắng về an ninh, an toàn trong thế giới ảo
Ngày 15/6, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về chủ đề “An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia”.
Có sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ gần 30 cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, hội thảo là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh mạng, mật mã và quản trị an ninh phi truyền thống.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hùng, Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, những ý kiến thảo luận tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng phục vụ cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng về quản trị an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia tại Việt Nam.
Trong phát biểu đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí Tuyên truyền nhận định, chúng ta đang chứng kiến một cuộc di chuyển vĩ đại trong lịch sử nhân loại, đó là từ thế giới thực sang thế giới ảo. Nhưng trong thế giới ảo này, tất cả các quốc gia đều lo lắng về an toàn, an ninh mạng.
Tình hình an toàn, an ninh mạng đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hoạt động gián điệp mạng, phá hoại của các thế lực thù địch ngày càng phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về chủ quyền, an ninh, chính trị, đối ngoại, kinh tế, xã hội. Cùng với đó, hoạt động tấn công mạng vào hệ thống thông tin trọng yếu của an ninh quốc gia nhằm phá hoại cơ sở dữ liệu, gây gián đoạn hoặc chiếm quyền điều khiển diễn ra thường xuyên hơn.
“Vấn đề an ninh mạng đang đòi hỏi phải tiếp tục được nhận diện, luận giải, phân tích những điểm mới về mặt lý luận và thực tiễn, tìm kiếm những phương châm, kế sách, giải pháp từ góc độ mật mã, góc độ quản trị để phòng ngừa, ứng phó, giải quyết có hiệu quả các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia phù hợp với bối cảnh mới, điều kiện mới”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Hải Bình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng, đang đặt ra nhiều thách thức với an ninh của các quốc gia như chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin, khủng bố mạng, tội phạm mạng và bảo đảm an ninh tư tưởng trên mạng.
Bảo đảm an ninh tư tưởng trên mạng là nhiệm vụ trọng yếu
Đưa ra nhiều dẫn chứng thực tiễn trong đời sống hàng ngày, PGS.TS Lê Hải Bình nhấn mạnh rằng, sự bùng nổ thông tin trên không gian mạng đang tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của mọi người và việc bảo đảm an ninh tư tưởng là vô cùng quan trọng, là một nhiệm vụ trọng yếu trong xây dựng Đảng.
Bên cạnh những thuận lợi, PGS.TS Lê Hải Bình cũng nêu ra 4 thách thức lớn trong việc bảo đảm an ninh tư tưởng trên không gian mạng, đó là: Các thế lực thù địch phản động triệt để sử dụng không gian mạng để gia tăng các hoạt động chống phá; tiện ích ẩn danh và bảo mật cao của các mạng xã hội đang là môi trường thuận lợi cho kẻ xấu lợi dụng, khai thác; sự lạc hậu về kỹ thuật của chúng ta so với thế giới; và cuối cùng là câu chuyện nhận thức. “Một bộ phận cán bộ, Đảng viên còn chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng cũng như các biện pháp bảo đảm an ninh tư tưởng, an ninh mạng”, PGS.TS Lê Hải Bình đánh giá.
Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, vị Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương cho rằng, thời gian tới, chúng ta cần phải triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp cả về tư tưởng và kỹ thuật. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhận thức về không gian mạng, an ninh an toàn mạng và an ninh tư tưởng trên mạng.
Tại hội thảo, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cũng chỉ rõ, không gian mạng đã trở thành môi trường sống mới của mỗi người dân trên toàn cầu. Với sự bùng nổ của các công nghệ kỹ thuật số, không gian mạng mang lại vô số cơ hội phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro về an toàn an ninh mạng, thậm chí là đe dọa đến an ninh, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Không chỉ gia tăng về số lượng, theo ông Trần Đăng Khoa, mức độ phức tạp của các cuộc tấn công mạng ngày càng tăng do xu thế áp dụng các công nghệ mới như AI, 5G, Cloud, IoT… Các cuộc tấn công mạng mang màu sắc chính trị có quy mô lớn, hướng vào các hệ thống thông tin quan trọng cũng ngày càng tăng cả về số lượng và độ tinh vi.
Đại diện Cục An toàn thông tin cũng cho hay, theo thống kê của Bộ TT&TT, 100% quốc gia trong nhóm G20 và khoảng hơn 50% các nước còn lại trên thế giới đã xây dựng chiến lược quốc gia về an toàn an ninh mạng. Trong đó, có khoảng 138 quốc gia đã ban hành luật về an toàn, an ninh mạng.
Tại Việt Nam, hệ thống hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng đã được cơ bản hoàn thiện, với 3 Luật, 13 Nghị định và 11 Thông tư hướng dẫn. Đặc biệt, tháng 8/2022, Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã được ban hành.
“Chiến lược với quan điểm và giải pháp mới, đột phá sẽ góp phần quan trọng trong việc giúp Việt Nam đối phó với những mối đe dọa ngày càng tăng trên không gian mạng, đặc biệt là định hướng chiến lược giúp cho các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện bảo đảm an toàn an ninh mạng”, ông Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.
Yêu cầu định danh tài khoản Facebook, YouTube, TikTok: Nhận được nhiều ủng hộĐa số người dùng đều ủng hộ việc yêu cầu định danh tất cả chủ tài khoản Facebook, TikTok và YouTube, nhưng vẫn còn đó nỗi lo làm sao dẹp được vấn nạn tài khoản “ảo” trên các nền tảng này.