Việt Nam tiếp cận xu thế AI sớm, nhưng triển khai còn chậm

Việt Nam tiếp cận xu thế AI thế giới sớm và nhanh, nhưng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức để thúc đẩy ứng dụng và phát triển AI trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Việt Nam bắt kịp xu thế AI sớm và nhanh


Phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0, ông Dương Duy Hưng, Trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ, trong lĩnh vực AI, những năm gần đây Việt Nam có bước phát triển nhanh chóng, ngày càng đi vào chiều sâu và mở rộng ở nhiều lĩnh vực.


Ông Dương Duy Hưng phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo báo cáo “Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ” do tổ chức Oxford kết hợp cùng Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada, Việt Nam đạt 51,82/100 điểm, tăng 14 bậc so với trước vào cao hơn mức trung bình toàn cầu (47,72). Ông Dương Duy Hưng nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy dấu hiệu tích cực về khả năng tiếp cận và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.


Ngoài ra, năm 2022, Việt Nam cũng xếp hạng thứ 48/132 quốc gia về chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), là quốc gia đứng thứ 2 trong số các nước thu nhập trung bình thấp.


Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo.

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), cũng đồng tình với quan điểm này, khi cho rằng Việt Nam tiếp cận xu thế rất sớm và nhanh. Bên cạnh Diễn đàn cấp cao công nghiệp 4.0, Ban kinh tế TW chủ trì với các bộ ngành, cơ quan tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chủ động tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Chính phủ cũng ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chiến lược nghiên cứu phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo.


Tiến Sĩ Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN chỉ ra, Việt Nam đã có những chính sách về ưu tiên phát triển công nghệ cao, trong đó có AI. Ở góc độ đầu tư nhà nước, các bộ ngành đã có quan tâm, quy hoạch phát triển về AI. Bộ KH&CN đã hỗ trợ phát triển nhiệm vụ liên quan đến AI với hơn 100 nhiệm vụ trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2023.


AI là công nghệ cốt lõi nhưng triển khai còn chậm


Theo ông Dương Duy Hưng, Trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương, AI được nhận định là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức, doanh nghiệp. Theo dự báo của công ty kiểm toán PriceWaterhouse Coopers, vào năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu, đồng thời AI sẽ tạo ra những ngành công nghiệp mới và việc làm mới.


Ông Dương Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm AI - FPT Smart Cloud, khẳng định AI là năng lực cốt lõi của doanh nghiệp trong thời đại số. AI tạo ra bước tiến ngoạn mục cho nhiều công ty toàn cầu và nhiều tên tuổi lớn trong nước hoạt động ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng cũng đang đầu tư mạnh mẽ.


Tại Việt Nam, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu xem ngành công nghiệp công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chip bán dẫn), là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng.


Theo ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng BộKH&CN, về thực tiễn triển khai, tốc độ triển khai CMCN 4.0 của chúng ta còn chậm hơn nhiều so với thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI. Ông chỉ ra một loạt trụ cột cần triển khai, đó là nhân lực, hạ tầng tính toán, dữ liệu và quy định, thể chế về đạo đức. Trong đó, hạ tầng tính toán hiệu năng cao tương đối rời rạc, chưa thực sự có trung tâm tính toán lớn; dữ liệu sẵn sàng cho AI còn hạn chế. Các công cụ như ChatGPT và sinh ảnh dù đóng góp hiệu quả cho năng suất lao động nhưng tạo hệ quả lớn không kém như giảm năng lực sáng tạo, tự thân vận động của học sinh, sinh viên, người lao động hay tạo ra thông tin giả, từ ảnh đến video giả mạo.


Tiến sĩ Trần Anh Tú chia sẻ tại hội thảo.

Còn Tiến sĩ Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN cho biết, công cuộc thúc đẩy ứng dụng AI còn nhiều hạn chế, như chưa có cơ sở đào tạo chuyên sâu, đẳng cấp; chưa có cơ sở nghiên cứu AI tầm quốc gia; cơ chế đãi ngộ đặc thù để thu hút nhân tài AI chưa hấp dẫn. Ngoài ra, còn có vấn đề tạo lập cơ sở dữ liệu mở, hạ tầng dữ liệu lớn phân tán, chưa có đủ sức mạnh đảm bảo nhu cầu phát triển AI.


Tiến sĩ Lê Thái Hưng, Giám đốc Chiến lược Hệ sinh thái, VNPT AI.

Từ góc độ doanh nghiệp, Tiến sĩ Lê Thái Hưng, Giám đốc Chiến lược Hệ sinh thái VNPT AI chia sẻ, khi triển khai AI đơn vị này gặp nhiều thách thức, đó là AI Engine cần tối ưu trên nhiều điện thoại nên bộ phận phải đến từng cửa hàng bán thiết bị để tối ưu. Khi cung cấp trải nghiệm mới cho khách hàng, họ cũng phải hướng dẫn lại cho người dùng, mất khá nhiều thời gian. Hơn nữa, AI Việt Nam đi sau thế giới khá nhiều nên khi một sản phẩm ra thị trường, họ phải cạnh tranh với nhiều hãng ngoại.


Thúc đẩy phát triển AI qua hoàn thiện thể chế, chính sách


Để không bị nhấn chìm khi phát triển AI, các bộ ban ngành đã có có chiến lược để thúc đẩy phát triển, sửa quy định, cũng như các tập đoàn đã quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực và cập nhật nhanh chóng.


Theo ông Bùi Thế Duy, Bộ KH&CN phối hợp cùng FPT xây dựng hệ thống CSDL các chuyên gia người Việt trên toàn thế giới, tiến tới xây dựng nền tảng kết nối nhu cầu công nghệ. Sắp tới sẽ triển khai trên Smart cloud của FPT để hỗ trợ trường đại học, doanh nghiệp nhỏ thử nghiệm AI của riêng mình.


Ông Nguyễn Quang Ngọc, đại diện Viettel trình bày tham luận tại hội thảo.

Nhằm phát huy tối đa vai trò của AI trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, ông Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Kinh doanh khối Khách hàng Chính quyền, Trung tâm không gian mạng Viettel nêu ra bốn đề xuất, đó là hoàn thiện luật, thể chế chính sách; đảm bảo hạ tầng và công nghệ; tăng cường hợp tác công – tư; tăng cường giáo dục, đào tạo.


Ông Dương Duy Hưng cho rằng, AI không còn là câu chuyện của học công nghệ, học thuật, mà là của đời sống kinh tế xã hội, lợi ích của tất cả đối tượng trong xã hội, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, quản trị quốc gia. Chúng ta sẽ phải áp dụng, thích ứng AI tại Việt Nam.


Theo ông, Việt Nam cần thể chế pháp luật, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho AI phát triển; cần phát triển nguồn lực, cơ chế; hạ tầng và dữ liệu; thu hút sự quan tâm của cộng đồng, bao gồm doanh nghiệp, nhà khoa học, kinh tế, quản lý. Trong quá trình thực thi chính sách, cần đảm bảo an toàn về mặt thông tin và dữ liệu, đạo đức, xã hội, việc làm.


Ngoài ra, AI cũng là công nghệ nên phải làm chủ công nghệ, không thể để mặt trái của AI ảnh hưởng đến quá trình phát triển.


Việt Nam tiếp cận xu thế AI sớm, nhưng triển khai còn chậm Việt Nam đặt nhiều mục tiêu trong phát triển AI

Nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng sẽ là những công nghệ đóng một vai trò rất quan trọng để Việt Nam thực hiện được mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch.