Chuyển đổi số để tạo ra giá trị cho người dân, phát triển đất nước
Ngày 12/6, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý II/2023 của Bộ với các Sở TT&TT.
Tại hội nghị, Bộ trưởng đã một lần nữa nhấn mạnh với đại diện các Sở TT&TT và một số đơn vị chuyên trách CNTT bộ, ngành để thống nhất nhận thức trong chuyển đổi số.
Bộ trưởng chỉ rõ, chuyển đổi số theo góc nhìn Việt Nam là sự hội tụ của hầu hết các thứ, là công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, thay đổi quản trị, là phát triển nhanh và bền vững, đồng thời cũng là một yếu tố quan trọng để tăng trưởng, tăng sức chống chịu của nền kinh tế. “Tôi rất mong muốn mọi người hiểu rộng, toàn diện về chuyển đổi số ra để tập trung làm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Điểm ra những kết quả bước đầu đạt được trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia hơn 3 năm qua như đã nâng cao nhận thức; các bộ, ngành, địa phương có Nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động đồng thời đã có những thử nghiệm… Người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, giờ là lúc phải tập trung làm và làm một cách thực chất. Thực chất nghĩa là, tạo ra giá trị cho người dân và cho sự phát triển của đất nước.
Bộ trưởng cũng lưu ý, chỉ có làm mới thấy rõ các vấn đề, không làm thì không vỡ ra, không hiểu và không dẫn dắt được người khác. Việc cũ, lâu, đã thành quy trình, quy chế thì lãnh đạo cố gắng đừng làm, càng ủy quyền, phân cấp nhiều càng tốt. Nhưng với việc mới, lãnh đạo cần là người đầu tiên làm, bởi làm thì mới hiểu và dẫn dắt được.
Bộ TT&TT luôn sẵn sàng hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương
Báo cáo của Văn phòng Bộ TT&TT và phát biểu của đại diện bộ, ngành, địa phương tại hội nghị như các sở TT&TT Bắc Kạn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM hay Trung tâm CNTT các bộ NN&PTNT, KH&CN đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc đơn vị mình gặp phải.
Đơn cử như, Văn phòng Bộ cho biết, các Sở TT&TT Điện Biên, Cần Thơ, Thanh Hóa phản ánh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế, chưa cung cấp được dữ liệu mở cho người dân và doanh nghiệp để phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trung tâm CNTT của Bộ NN&PTNT gặp khó khăn trong việc xác định đơn giá thuê xây dựng nền tảng dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp; còn đơn vị chuyên trách CNTT của Bộ KH&CN lo ngại về sự rủi ro khi thẩm định dự án CNTT trong điều kiện nhân lực hạn chế.
Băn khoăn, thắc mắc của các đơn vị đều đã được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp, đưa ra hướng giải quyết ngay tại hội nghị. “Các địa phương gặp bất cứ khó khăn gì về lĩnh vực TT&TT, nhưng liên quan đến bộ, ngành khác thì cách tốt nhất là thông qua Bộ TT&TT để làm việc với bộ đó”, Bộ trưởng nói.
Tại hội nghị, các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng cũng đã có những lưu ý với các địa phương về một số việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Cụ thể, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị các địa phương rà soát kỹ một lần nữa các vùng lõm sóng 3G, 4G để Bộ chỉ đạo doanh nghiệp hoàn thành phủ sóng các vùng lõm vào cuối năm nay; thực hiện nghiêm túc việc thanh tra quản lý thông tin thuê bao di động; quyết liệt thực hiện duy trì thứ hạng của Việt Nam về tỷ lệ sử dụng IPv6.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng giao Cục Viễn thông chủ trì tổ chức hội nghị chuyên đề về dùng chung hạ tầng và ngầm hóa để tăng cường việc này thời gian tới.
Một trong những việc Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhắc các địa phương tập trung triển khai các nội dung công việc đã được Bộ trưởng chỉ đạo tại phiên họp chuyên đề “Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến” để nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Được sự đồng ý của Bộ trưởng, thời điểm bắt đầu đánh giá trực tuyến cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương được lùi sang ngày 15/6, thay vì ngày 10/6 như lịch cũ, nhưng vẫn sẽ công bố kết quả đánh giá vào cuối tháng 6.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng mong rằng các sở, đơn vị khi thấy trường hợp vi phạm quy định kết nối, chia sẻ dữ liệu thì phản ánh về Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT, để Bộ kịp thời có văn bản nhắc nhở. Năm 2023, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Chuyển đổi số quốc gia và Thanh tra Bộ sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về nội dung này.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý các địa phương một số việc: Dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến cần đạt; chính quyền số, quản trị số; việc cần thay đổi cách hướng dẫn để địa phương dễ triển khai; cũng như những lưu ý về xây dựng đô thị thông minh.
Đối với phát triển kinh tế số, Bộ trưởng nhấn mạnh, kinh tế số là trọng tâm của chuyển đổi số, tạo ra sự phát triển của nền kinh tế. Kinh tế số chủ yếu là chuyển đổi số ngành. Mỗi ngành phải xác định các nền tảng số ngành. Đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành cần nhớ nhiệm vụ chính là chuyển đổi số và tạo ra sự phát triển kinh tế số trong ngành, lĩnh vực mình. Bộ TT&TT lập kế hoạch làm việc với từng bộ, ngành để xác định những nền tảng số căn bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số của ngành đó phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn nêu rõ các nội dung cần được quan tâm về thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, an toàn số, công nghệ số nền tảng, doanh nghiệp số và tổ công nghệ số cộng đồng. Trong đó, với thể chế số, nhấn mạnh đây là vấn đề phải đi trước, Bộ trưởng lưu ý: “Thể chế số hiện không chỉ nằm ở các thể chế do Bộ TT&TT sửa, mà còn ở các bộ ngành khác. Đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, ngành cần rà soát xem thể chế của bộ, ngành mình còn thiếu gì”.
Bộ TT&TT sẽ điều phối, dẫn dắt để đột phá về dịch vụ công trực tuyếnĐã đến lúc phải thay đổi về nhận thức, cách tiếp cận và cách làm để tạo ra sự thay đổi căn bản về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Các bộ ngành và địa phương mỗi khi khó khăn, hãy tìm đến Bộ TT&TT để được hỗ trợ.