Hành trình của Stringee: Cầm cố xe hơi để trả lương, vấp ngã nhưng không nản

Từng ôm mộng có thể cạnh tranh với đế chế Viber nhưng thất bại, hai chàng kỹ sư CNTT trẻ tuổi quyết định khởi nghiệp trở lại với Stringee. Chỉ sau 5 năm, nền tảng giao tiếp số này đã tăng trưởng thần tốc và bắt đầu tiến ra thị trường nước ngoài.


Stringee là một start up trong lĩnh vực lập trình giao tiếp (Communication Platform) tại Việt Nam. Công ty ra đời năm 2017 bởi 2 chàng kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) trẻ tuổi Đậu Ngọc Huy và Nguyễn Bá Luân (cùng sinh năm 1987).


Khởi đầu từ số 0, Stringee đầu năm 2023 đã tăng trưởng thần tốc tới 200% so với năm 2021 và trở thành công ty số 1 của Việt Nam trong lĩnh vực "số hóa giao tiếp", cung cấp nền tảng số giao tiếp đa kênh cho hơn 1000 khách hàng với nhiều tên tuổi lớn ở các ngành bảo hiểm, ngân hàng, y tế, viễn thông... Hiện tại, Stringee đang phục vụ khoảng 2,2 triệu phút gọi mỗi ngày cho hơn 55 triệu người dùng cuối trong toàn quốc.


Sự độc đáo và khác biệt của nền tảng Stringee chính là khả năng tích hợp vào ứng dụng mobile hoặc website của các doanh nghiệp với đủ các tính năng miễn phí cước như nghe, gọi, video call, nhắn tin, live chat, email... có tính bảo mật cao mà doanh nghiệp không phải sử dụng các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook Messenger...


Với tính ứng dụng cao và đột phá đó, Stringee gặt hái liên tiếp thành công: Giải nhất Nhân Tài Đất Việt về lĩnh vực CNTT năm 2018; Top 5 Grab Ventures và Top 10 Techfest năm 2020 và gần đây nhất, lọt Top 10 giải thưởng Sao Khuê năm 2023 tại lĩnh vực dịch vụ chuyển đổi số. Stringee cũng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố là nền tảng "Make in Vietnam" từ năm 2020.


Để có được thành công ấy, hai chàng cựu sinh viên K50 khoa CNTT của Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đậu Ngọc Huy và Nguyễn Bá Luân đã có một hành trình khởi nghiệp với đủ các dư vị "đắng cay ngọt bùi".


“Từ nhỏ, tôi đã đam mê học toán và rất thích chương trình Robocon- cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á- Thái Bình Dương do Hiệp hội Phát thanh- truyền hình Châu Á- Thái Bình Dương tổ chức hàng năm. Chính vì thế, tôi quyết tâm thi vào Đại học Bách Khoa để có cơ hội thực hiện những ước mơ sáng tạo công nghệ của mình. Ở đó, tôi đã gặp Đậu Ngọc Huy (CEO- đồng sáng lập Stringee)", Nguyễn Bá Luân (Giám đốc vận hành- COO Stringee) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.


"Hai chúng tôi cùng khoa nhưng khác lớp. Đến năm thứ 4 đại học, cả hai cùng được hướng dẫn thực tập bởi một thầy giáo. Từ đó, bắt đầu đi cùng nhau đến tận bây giờ!", Nguyễn Bá Luân kể về tình bạn với người đồng sáng lập công ty.


Luân cho biết, chính trong kỳ thực tập đó, cả hai đã bắt tay cùng làm ra sản phẩm "giao tiếp số" đầu tiên- một ứng dụng chat và nghe nhạc trên điện thoại. Tất nhiên, sản phẩm ấy chỉ là bài tập chuẩn bị tốt nghiệp, dành cho loại điện thoại "cục gạch" như Nokia, Blackberry.


Sau khi ra trường năm 2010, hai tân cử nhân cùng nhau xin việc ở Viettel. "Chúng tôi đều làm kỹ thuật lập trình ở bộ phận Tổng đài chăm sóc khách hàng Viettel, trực tiếp tham gia triển khai giải pháp VoIP. Lúc đó, lương mỗi tháng của tôi đã được khoảng 1.000 USD”, Nguyễn Bá Luân nhớ lại.


Làm việc trong một Tập đoàn viễn thông số 1 ở Việt Nam, môi trường chuyên nghiệp và lương được trả cao gấp đôi thị trường nhưng vẫn không làm thỏa mãn được cả Luân và Huy.


Luân nói: "Thâm tâm chúng tôi vẫn coi, đó là nơi để học tập và trải nghiệm! Trong lòng vẫn nung nấu ước mơ muốn được mở một công ty riêng, sáng tạo ra một sản phẩm công nghệ có giá trị riêng... Cho đến một ngày, Huy gọi tôi ra quán cafe để nói chuyện rất say sưa về Ola, Viber- những ứng dụng chát đang làm mưa làm gió ở thị trường Việt Nam thời bấy giờ (năm 2012)".


Thời điểm đó, Viber thu hút hàng triệu triệu người dùng bởi tính năng gọi điện miễn phí trên nền tảng internet. Việc gọi điện thoại cho nhau qua APP khi đó vẫn còn rất xa lạ ở Việt Nam. Riêng Ola đã có tới 20 triệu user, một con số đáng nể. LINE và Kakao chưa xuất hiện, Zalo còn chưa có tính năng gọi điện VoIP trên ứng dụng di động. Facebook vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam và chưa hoàn chỉnh tính năng messenger như bây giờ.


"Đó là một cuộc nói chuyện đầy hứng khởi và mang tính lịch sử. Chúng tôi nhận ra rằng, tương lai sẽ bùng nổ những những ứng dụng chát, nhắn tin, nghe gọi... trên nền tảng internet. Cơ hội là vô cùng lớn. Tại sao, Việt Nam không có một ứng dụng giao tiếp riêng có sức hút như Viber và mang giá trị Việt Nam?", Nguyễn Bá Luân nhìn nhận.


Và đúng là, "tư tưởng lớn gặp nhau"! Huy gợi mở và đề xuất, Luân ngay lập tức đồng ý. Cả hai bắt tay nhau quyết tâm làm start up với một khát vọng mãnh liệt "muốn xây dựng một ứng dụng giao tiếp riêng của người Việt có hàng triệu người dùng và đánh bại được Viber trên sân nhà", Luân nhấn mạnh.


Thế là năm 2014, hai chàng trai chính thức nghỉ việc ở Viettel, mở công ty riêng với sản phẩm OTT BomChat. Đây là ứng dụng đầu tiên của Việt Nam có tính năng gọi điện VoIP trên ứng dụng di động không thua kém gì Viber, mãi sau đó Zalo mới ra tính năng này.


Nhưng, vốn liếng lớn nhất khi đó của hai chàng trai chỉ là khát vọng, là niềm tin, là năng lượng của tuổi trẻ và có cả sự bồng bột, dại khờ. Luân cười, nhớ lại: "Hồi đó hào hứng làm, chẳng nghĩ gì đến thất bại. Vì có biết gì đâu mà sợ thất bại?!".


Không có kinh nghiệm thương trường và không có tiền bạc nhiều để có thể đổ vào các chiến dịch quảng bá, marketing, BomChat mau chóng hụt hơi trong cuộc chiến giữa các OTT tại Việt Nam gồm Zalo, Kakao Talk, Line.


Phải nói rằng, một công ty siêu nhỏ với văn phòng làm việc khoảng 10m2, có 6 lập trình viên so với những người khổng lồ đã có bề dày kinh nghiệm, đó là cuộc chiến không cân sức.


Nguyễn Bá Luân nói: “OTT là cuộc chơi “cắt máu” mà ông nào lớn đủ lực sẽ chiếm cả thị trường và không có cơ hội cho những doanh nghiệp nhỏ. Chúng tôi đã không thể theo được cuộc đua này và phải dừng sản phẩm vào đầu năm 2015”.


Tất nhiên, mọi chuyện không đến nỗi quá tệ với hai chàng trai 8x luôn đầy ắp sự lạc quan: Một nhà mạng lớn đã mua giải pháp của BomChat để đưa ra thị trường nước ngoài, nhờ đó, Huy và Luân đã có được khoản tiền nho nhỏ để tiếp tục khởi nghiệp.


Chính sự bồng bột và dại khờ của tuổi trẻ lại là năng lượng đặc biệt cho các nhà sáng lập Stringee dám làm các sản phẩm cạnh tranh với đối thủ nước ngoài.

Thất bại nhưng không nản! Thua keo này bày keo khác. Huy và Luân vẫn duy trì công ty tí hon của mình bằng việc nhận làm các dự án lập trình nhỏ và nung nấu tiếp ý định sẽ quay trở lại với một sản phẩm hoàn hảo hơn.


Dương như, "trời không phụ lòng". Hai năm sau, cơ hội lại đến.


Đầu năm 2017, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khởi động dự án tư vấn khám sức khỏe trực tuyến VOV Bacsi24. Để triển khai được app "bệnh viện online" này, các tính năng nghe, gọi, gọi có hình... kết nối trong ứng dụng trên điện thoại di động phải cực kỳ "nét" và ổn định. Nhờ đã có dấu ấn ở BomChat, Huy và Luân được nhóm triển khai dự án VOV Bacsi24 đặt hàng. "Đơn hàng" lập trình được thực hiện thành công. Điều đó đã tiếp sức cho hai chàng trai trẻ khởi nghiệp trở lại.


Stringee manh nha hình thành từ đó!


Khi xây dựng VOV Bacsi24, Huy và Luân nhận thấy, nếu xây dựng ứng dụng có thể chat, thoại, video call, SMS cho người dùng cuối sẽ phải có rất nhiều tiền. Trong khi với nguồn lực của một doanh nghiệp nhỏ, đó là câu chuyện bất khả thi.


Hai chàng kỹ sư CNTT nảy sinh ý tưởng xây dựng giải pháp toàn diện về nền tảng giao tiếp, cho phép các doanh nghiệp thêm các tính năng như chat, voice call, video call, video conference, SMS, contact center vào các ứng dụng mobile, trang web, hệ thống phần mềm quản trị. Từ đó, doanh nghiệp có thể giải quyết triệt để bài toán giao tiếp giữa khách hàng và khách hàng, giao tiếp giữa khách hàng và doanh nghiệp, giúp chuyển đổi số hoàn toàn trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng, telesales.


Theo ước tính của 2 nhà sáng lập Stringee, nền tảng giúp tiết kiệm đến 80% thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, trong khi nếu tự phát triển các tính năng giao tiếp riêng, doanh nghiệp có thể mất từ 1-3 năm. Mô hình thay đổi, sản phẩm không cung cấp cho người dùng cuối mà là cho các doanh nghiệp.


Vậy là, tháng 7/2017, Stringee chính thức được thành lập hay nói cách khác, một BomChat thế hệ mới được hồi sinh. Trong vài tháng đầu đìu hiu, eDoctor trở thành vị khách hàng đầu tiên ký hợp đồng với Stringee với giá trị chỉ 600.000 đồng/tháng cũng đủ khiến Huy và Luân mừng vui khôn xiết.


Một ưu điểm lớn khiến khách hàng thấy hấp dẫn nhất ở Stringee là tính bảo mật lớn. Các cuộc gọi đến- đi trong nền tảng này có thể được mã hóa, chỉ hiện số ảo, giúp cho khách không bị phiền hà do lộ lọt số điện thoại cá nhân. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở Be Group, hãng taxi công nghệ đang dùng Stringee.


Chỉ sau 1 năm, Stringee được xướng tên vinh danh giải Nhất Nhân tài đất Việt năm 2018 trong lĩnh vực CNTT.


Thế nhưng, con đường đi tới thành công của hai chàng trai trẻ vẫn không hề suôn sẻ! Giai đoạn 2017-2019, Stringee trở thành doanh nghiệp duy nhất cung cấp giải pháp toàn diện cho "số hóa giao tiếp" có tính ổn định và bảo mật cao, tương đương các giải pháp số của nhà cung cấp nước ngoài. Tuy nhiên, tính mới và độc đáo lại luôn có mặt trái, đó là sẽ không nhiều khách hàng biết đến để tin dùng.


Khách ít, số vốn mà các nhà đầu tư thiên thần rót cho Stringee giai đoạn đầu vơi dần. Bài toán tài chính trở thành thách thức vô cùng lớn. Không còn cách nào khác, Đậu Ngọc Huy phải cầm cố chiếc xe ô tô Mazda của mình với khoản tiền "vay" được chỉ vài trăm triệu đồng để chi trả tiền thuê văn phòng và trả lương nhân viên. Có lúc, CEO Huy còn phải cầm cả nhà.


“Ngay cả những lúc khó khăn nhất, chúng tôi vẫn khát khao và có niềm tin mình sẽ xây dựng sản phẩm tốt nhất có thể cạnh tranh được. Sau đó, Stringee đã thành công trong vòng gọi vốn hạt giống cuối năm 2019 và đây chính là điểm nổ để Stringee bứt phá mạnh mẽ", Nguyễn Bá Luân chia sẻ.


Sau đó, Stringee bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng với tốc độ phát triển theo cấp số nhân. Năm 2019, doanh thu tăng gấp 6 lần năm 2018. Năm 2020, doanh thu gấp khoảng 3 lần năm 2019. Năm 2022, doanh thu tăng trưởng gấp đôi năm 2021 với con số tới đây kỳ vọng đạt hàng chục triệu USD.


Trong giai đoạn này, công ty có sự góp sức của Quỹ Zone Startups Ventures (Canada) và 2 triệu USD tại vòng Pre-series A.


Gần đây nhất, Stringee bước vào vòng gọi vốn Series A- giai đoạn công ty đã chứng minh được với nhà đầu tư tiềm năng về doanh thu kỳ vọng. Vòng gọi vốn này thành công với khoản vốn đến từ Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM III (DSVGF) do Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đồng quản lý cùng Daiwa Corporate Investment Co., Ltd (Tập đoàn Daiwa Securities- Nhật Bản). Nhờ đó, tăng trưởng của công ty đạt tới 200% so với năm 2021.


"Vòng gọi vốn này là một bệ phóng vững mạnh giúp chúng tôi tiếp tục đầu tư vào đội ngũ nhân sự, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo ra phần mềm đẳng cấp quốc tế. Đó cũng là động lực để Stringee tiến ra thị trường quốc tế", Nguyễn Bá Luân cho biết.


Những ngày cuối tháng 5, Nguyễn Bá Luân và Đậu Ngọc Huy liên tục họp bàn với các đồng sự của mình trong cuộc viễn chinh chính thức đầu tiên, đó là thị trường Ấn Độ.


Lý giải về điểm khởi đầu là Ấn, không phải Mỹ, Luân phân tích: "Tại thị trường Mỹ, chi phí đầu tư sẽ rất lớn. Vì vậy, mục tiêu công ty trước mắt là sẽ đánh mạnh vào thị trường Ấn Độ, nơi mà có chi phí về hạ tầng, về thuế, về nhân công còn rẻ và tương đương với Việt Nam. Văn phòng của công ty tại Ấn Độ đã được thành lập".


"Nhưng tất nhiên, Mỹ là điểm đến hấp dẫn và chúng tôi sẽ không bỏ qua", Luân nhấn mạnh tiếp. Cơ hội đang rộng mở bởi lẽ, trên thị trường quốc tế, những công ty có mô hình và giải pháp số toàn diện như Stringee chưa nhiều. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm tiện ích cho khách hàng, chăm sóc khách hàng như thượng đế luôn là nhu cầu khổng lồ mà bất kỳ tập đoàn lớn nào cũng cần. Đó cũng là vấn đề sống còn của mọi doanh nghiệp.


Vì thế, trong hơn 1000 khách hàng của Stringee, có những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường và đứng top 3 trong lĩnh vực chuyên ngành, ví dụ như viễn thông có Viettel, Mobifone; ngân hàng tài chính có VNDIRECT, TPBank, NCB, VietinBank Insurance, Shinhan Finance, Hanwha Life Vietnam, ngoài ra là các tên tuổi như Be Group, Dat Xanh group...


“Tôi và Huy có tính cách khác nhau, nhưng chúng tôi cùng mục tiêu và khát khao chung. Vì thế, khi khó khăn xảy ra, hai chúng tôi không nhụt chí. Chúng tôi có cùng quan điểm rằng tiền không phải là thứ quan trọng nhất, mục tiêu của chúng tôi là xây dựng được một công ty lớn đem lại lại ích cho xã hội.”, Nguyễn Bá Luân nói.


Với Huy và Luân, chiến lược cho Stringee là sẽ phát triển thành một công ty "Go Global", cung cấp giải pháp số "make in Vietnam" cho nhiều nước trên thế giới.


Ngẫm lại những cú vấp ngã ban đầu, Luân chia sẻ: "Start up sẽ không bao giờ thành công ngay mà đều phải trải qua vài ba lần thất bại. Vì vậy, hãy luôn theo đuổi mục tiêu của mình đến cùng".


Những mục tiêu lớn, những khát khao lớn đó sẽ chính là nguồn năng lượng thần kỳ để công ty vượt qua mọi thử thách, khó khăn và chạm đến thành công.


Ảnh: Hoàng Hà


Thiết kế: Phạm Luyện









Hanh trinh cua Stringee: Cam co xe hoi de tra luong, vap nga nhung khong nan


Tung om mong co the canh tranh voi de che Viber nhung that bai, hai chang ky su CNTT tre tuoi quyet dinh khoi nghiep tro lai voi Stringee. Chi sau 5 nam, nen tang giao tiep so nay da tang truong than toc va bat dau tien ra thi truong nuoc ngoai.

Hành trình của Stringee: Cầm cố xe hơi để trả lương, vấp ngã nhưng không nản

Từng ôm mộng có thể cạnh tranh với đế chế Viber nhưng thất bại, hai chàng kỹ sư CNTT trẻ tuổi quyết định khởi nghiệp trở lại với Stringee. Chỉ sau 5 năm, nền tảng giao tiếp số này đã tăng trưởng thần tốc và bắt đầu tiến ra thị trường nước ngoài.
Hành trình của Stringee: Cầm cố xe hơi để trả lương, vấp ngã nhưng không nản
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: