Tổ hợp phòng không Gepard giúp Ukraine ‘khắc chế’ UAV Nga

Tổ hợp phòng không Gepard là vũ khí đang được Ukraine sử dụng để đối đầu với những đợt tấn công UAV từ phía Nga.


Trong bối cảnh thủ đô Kiev tiếp tục hứng chịu các đợt tấn công của Nga, Mỹ vừa thông qua một hợp đồng trị giá hơn 118 triệu USD để cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine các tổ hợp phòng không Gepard 35 mm tự hành.


Đa năng, hiệu quả


Các hệ thống Gepard đang được Ukraine sử dụng để phòng thủ mọi mối đe doạ không, từ tên lửa hành trình hay máy bay không người lái Shahed.


Gepard có tháp pháo trang bị hai khẩu Oerlikon Contraves KDA 35 mm, lắp đặt trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) bánh xích Leopard 1. Tất cả các phiên bản của tổ hợp phòng không đều được trang bị radar tìm kiếm và theo dõi bên trong tháp pháo.


Mỹ tăng cường năng lực phòng không cho Ukraine trước các đợt tấn công bằng UAV từ Nga

Nó được thiết kế đảm nhiệm vai trò một “điểm nút” trong hệ thống phòng thủ, với mục tiêu là máy bay trực thăng, máy bay tầm thấp cũng như các mối đe doạ trên không khác. Ngoài ra, Gepard cũng có thể được sử dụng để tấn công với các mục tiêu trên mặt đất.


RUSI, tổ chức tư vấn quốc phòng trụ sở tại Anh đánh giá hệ thống này "rất thành công" khi chống lại các máy bay không người lái Shahed-136 nhỏ bé, chậm chạp và bay thấp đang được Nga sử dụng khá thường xuyên kể từ giữa tháng 9 năm ngoái. Điều này giải thích cho việc Mỹ quyết định mua thêm những chiếc Gepard từ Jordan cho Kiev.


Tuy nhiên, số lượng Gepard được mua cho Ukraine thông qua thỏa thuận của quân đội Mỹ chưa được tiết lộ chi tiết, trong khi thời điểm dự kiến hợp đồng hoàn tất được cho vào ngày 30/5/2024.


Giới quan sát quân sự cho biết, những chiếc Gepard này có thể là biến thể cũ từng biên chế trong quân đội Hà Lan, trước khi bán cho Jordan khoảng 10 năm trước.


Vào năm 2013, Hà Lan và Jordan đã đạt thỏa thuận trị giá 21 triệu Euro chuyển giao 60 hệ thống phòng không Cheetah dư thừa cho lực lượng vũ trang Jordan. Thỏa thuận cũng bao gồm 350.000 viên đạn 35mm cùng phụ tùng thay thế.


Đến nay, Đức đã gửi một số phương tiện này cho quân đội Kiev, triển khai chúng một cách hiệu quả, đặc biệt là để phòng thủ trước các tên lửa hành trình và máy bay không người lái của Nga.


Cuộc chiến UAV


Quyết định của Lầu Năm Góc có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các thành phố của Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev đang hứng chịu hàng loạt cuộc không kích tên lửa và máy bay không người lái. Nga đã tăng cường tấn công đối phương sau cuộc “đột kích” bất thành bằng máy bay không người lái gần đây vào Moscow, trong đó ưu tiên mục tiêu trung tâm chỉ huy quân sự của Ukraine.


Một số báo cáo gần đây cho thấy vũ khí viện trợ cho Kiev không "sẵn sàng" chiến đấu

Người phát ngôn Không quân Ukraine Yury Ihnat ngày 1/6 tuyên bố Nga có đủ UAV để thực hiện các cuộc tấn công Ukraine mỗi ngày.


“Máy bay không người lái Shahed hiện được phóng thường xuyên đến mức không rõ liệu chúng có phải đang làm suy yếu khả năng phòng không của chúng tôi hay không. Hoặc vừa hao mòn vừa làm lộ diện hệ thống phòng thủ”, đại diện quân sự Ukraine cho hay.


Do đó, việc chuyển giao những hệ thống phòng không như Gepard sẽ tăng cường sức mạnh phòng thủ của Ukraine trước các UAV của Nga trong thời gian tới, đặc biệt là khi các cuộc tấn công không có dấu hiệu giảm bớt.


Trước đó, đầu năm nay, nghị sĩ Đức Roderich Kizewetter từng đưa ra đề xuất “mua lại” 15 tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard (SZU) đã bán cho Qatar trước đó để chuyển giao sang Ukraine.


Thoả thuận của Bộ Quốc phòng Mỹ thuộc phạm vi Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), được áp dụng để mua các loại vũ khí thay vì “rút bớt” nguồn cung cấp lấy trực tiếp từ kho vũ khí của Washington để chuyển sang cuộc xung đột tại châu Âu.


Động thái của Lầu Năm Góc xuất hiện trong bối cảnh có các báo cáo rằng thiết bị của Mỹ rút từ một nước thứ ba để giao cho Ukraine tỏ ra không sẵn sàng chiến đấu.


Cụ thể, thanh tra của Bộ Quốc phòng gần đây đã phát hiện ra rằng các thiết bị lấy từ kho dự trữ sẵn của quân đội Mỹ ở Kuwait được gửi đến Kiev không được chuẩn bị cho các hoạt động chiến đấu, Defense News đưa tin.


“Chúng tôi đã xác định các vấn đề làm nảy sinh việc bảo trì, sửa chữa ngoài dự kiến và kéo dài thời gian chuẩn bị của các thiết bị quân sự được chọn gửi hỗ trợ Lực lượng Vũ trang Ukraine,” báo cáo ngày 23 tháng 5 nêu rõ.


Trước khi được Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ gửi đến Ukraine, tất cả sáu khẩu lựu pháo M777 và 25 trong số 29 Xe bánh lốp đa năng cơ động cao M1167 đều chưa “sẵn sàng cho nhiệm vụ”.


Đến tháng 1 năm 2023, chính phủ Mỹ được cho là đã 30 lần sử dụng quyền rút tiền để cung cấp số vũ khí và thiết bị trị giá 18,3 tỷ USD cho Ukraine.


(Theo EurAsian Times)


‘Bóng ma’ chiến tranh vùng Vịnh khiến Patriot chùn bước tại Ukraine?

‘Bóng ma’ chiến tranh vùng Vịnh khiến Patriot chùn bước tại Ukraine?

Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, mảnh vỡ của tên lửa đánh chặn phóng từ hệ thống Patriot đã khiến một người đàn ông Ả Rập Saudi thiệt mạng.
Nga phát triển xe phóng tên lửa mới, ‘trấn áp’ HIMARS tại chiến trường Ukraine

Nga phát triển xe phóng tên lửa mới, ‘trấn áp’ HIMARS tại chiến trường Ukraine

Với việc pháo kích bằng tên lửa trở thành một đặc điểm nổi bật của cuộc chiến Ukraine, Nga được cho là đang phát triển Hệ thống tên lửa phóng đa nòng (MLRS) 300 mm tiên tiến - “Sarma”, có khả năng bắn đạn dẫn đường chính xác.