Bộ TT&TT sẽ điều phối, dẫn dắt để đột phá về dịch vụ công trực tuyến

Đã đến lúc phải thay đổi về nhận thức, cách tiếp cận và cách làm để tạo ra sự thay đổi căn bản về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Các bộ ngành và địa phương mỗi khi khó khăn, hãy tìm đến Bộ TT&TT để được hỗ trợ.


Bàn cách làm mới giải bài toán dịch vụ công trực tuyến


Chiều ngày 5/6, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì phiên họp chuyên đề về “Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến”. Đây là lần đầu tiên, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi tổ chức phiên họp chỉ tập trung vào một chủ đề cụ thể là dịch vụ công trực tuyến.


Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì phiên họp chuyên đề của Ủy ban về dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: Hoàng Hà)

Điểm lại những kết quả, cũng như tồn tại của các giai đoạn chính trong quá trình hơn 20 năm phát triển dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam, người đứng đầu ngành TT&TT chỉ rõ, bây giờ là lúc cần thay đổi căn bản cách làm chính phủ điện tử, cách cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đầu tiên từ thay đổi nhận thức, đến thay đổi cách tiếp cận, cách làm.


“Phiên họp hôm nay là bàn cách tiếp cận mới, cách làm mới có tính đột phá để tạo ra sự thay đổi căn bản về dịch vụ công trực tuyến… Tôi mong muốn chúng ta bàn bạc về cách làm mới để giải quyết xong bài toán dịch vụ công trực tuyến Việt Nam vào trước năm 2025”, Bộ trưởng lưu ý.


Tại hội nghị, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã giới thiệu dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá, kết quả đánh giá thử nghiệm và đề xuất lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.


Bộ tiêu chí đã được xây dựng để thực hiện đánh giá các Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương dưới góc độ người sử dụng, gồm 3 trụ cột đánh giá: Chức năng, hiệu năng và khả năng truy cập thông tin thuận tiện. Cục Chuyển đổi số quốc gia đề xuất đánh giá chất lượng Cổng dịch vụ công bộ, ngành, địa phương theo 5 mức độ.


Ông Đỗ Lập Hiển, Giám đốc Trung tâm Công nghệ số quốc gia, Cục Chuyển đổi số quốc gia giới thiệu về dự thảo bộ tiêu chí đánh giá Cổng dịch vụ công. (Ảnh: Hoàng Hà)

Từ kết quả đánh giá thử nghiệm cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương trong tháng 3/2023, Cục Chuyển đổi số quốc gia cũng nêu ra 10 nhóm vấn đề với 20 nhiệm vụ mà các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thời gian tới để nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.


Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các việc mà Cục Chuyển đổi số quốc gia đã có khuyến nghị, cố gắng hoàn thành trước ngày 10/6. “Từ ngày 10/6, Bộ TT&TT sẽ đánh giá chính thức Cổng dịch vụ công của 20 bộ, ngành cùng 63 địa phương và sẽ công bố kết quả vào cuối tháng 6/2023”, Thứ trưởng cho hay.


Phổ biến rộng rãi kinh nghiệm hay của các địa phương


Đáng chú ý, phiên họp chuyên đề về dịch vụ công trực tuyến đã dành nhiều thời gian để đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở TT&TT một số địa phương đang làm tốt việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nam Định, Tây Ninh, Bình Phước chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay.


Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Hoàng Hà

Đơn cử như, với Hải Phòng, theo ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố, chỉ tiêu về tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công toàn trình đã được thành phố giao chi tiết, phù hợp cho 35 Sở, ban, ngành, quận huyện và 217 xã phường, trên cơ sở tính toán thực trạng số lượng hồ sơ trực tuyến tại từng cơ quan, địa phương. Cụ thể, để giao chỉ tiêu cho 1 sở, 1 huyện, sẽ căn cứ tỷ lệ hồ sơ trực tuyến hiện có (4 tháng đầu năm) của đơn vị, dự kiến tổng số hồ sơ trực tuyến toàn thành phố cần đạt của 8 tháng cuối năm, và tỷ trọng hồ sơ của đơn vị đó so với toàn thành phố.


Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận tiện cho người dân trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Còn với Đà Nẵng, một trong những giải pháp được Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quang Thanh chia sẻ là việc triển khai nền tảng công dân số. Mỗi người dân có 1 kho dữ liệu số trên nền tảng, được gắn mã QR duy nhất theo quy chuẩn quốc gia. Tài khoản công dân số cho phép người dân không chỉ kế thừa lại thông tin hành chính của cá nhân mà còn sử dụng lại các giấy tờ, hồ sơ số trong sử dụng dịch vụ công.


Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, những kinh nghiệm, cách làm hay của một số bộ, ngành, địa phương sẽ được Bộ tổng hợp và phổ biến rộng rãi ngay trong tháng 6 này.


Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sự khác biệt cơ bản của cách làm dịch vụ công trực tuyến kiểu ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là thay vì làm các hệ thống CNTT rời rạc, thì dùng các nền tảng số dùng chung, thay vì tự làm, tự đầu tư thì thuê dịch vụ, cho cả phần cứng và phần mềm. (Ảnh: Hoàng Hà)

Nhấn mạnh 2 cái căn bản nhất là trực tuyến toàn trình và chất lượng dịch vụ trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: “Trực tuyến toàn trình là người dân tự làm từ nhà và không đến cơ quan nhà nước. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến là sự đơn giản, thuận tiện và nhanh. Hai cái này phải dẫn đến kết quả cuối cùng là đại đa số người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến”.


Người đứng đầu ngành TT&TT lưu ý các bộ, ngành, địa phương về hàng loạt vấn đề trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, như về cách làm; mục tiêu; tiêu chuẩn, chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; đơn giản hóa thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; cung cấp dịch vụ công trên mobile; đảm bảo kết nối di động; đảm bảo an toàn thông tin để kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia; trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người dân... Đặc biệt, tinh thần xuyên suốt được nhấn mạnh nhiều lần là Bộ TT&TT luôn sẵn sàng hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương.


Bộ trưởng phân tích, sau dịch vụ công trực tuyến - trọng tâm của chính phủ điện tử, là đến chính phủ số. Chúng ta phải sớm kết thúc xây dựng chính phủ điện tử để chuyển toàn lực sang chính phủ số. Trước đây, các nước đi trước ứng dụng CNTT để làm chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến nên tốn kém và chậm hơn. Nay ta có cơ hội dùng công nghệ số, cách tiếp cận chuyển đổi số để làm chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến nên sẽ nhanh và rẻ hơn.


Một lần nữa nhấn mạnh cần quyết tâm thay đổi căn bản dịch vụ công trực tuyến, Bộ trưởng khẳng định, đây là nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, không ai có thể làm thay được. “Bộ TT&TT đóng vai trò dẫn dắt, điều phối, chỉ ra cách làm mới đột phá, tháo gỡ khó khăn, giới thiệu các bài học hay, cách làm tốt và hỗ trợ trực tiếp khi cần. Các bộ ngành và địa phương mỗi khi khó khăn thì hãy tìm đến Bộ TT&TT, chúng tôi luôn bên cạnh, sẵn sàng hỗ trợ”, Bộ trưởng cam kết.


Với các doanh nghiệp công nghệ số cung cấp giải pháp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Bộ trưởng kêu gọi hãy nhìn xa hơn với tầm nhìn một Việt Nam số, vừa kinh doanh vừa là giúp đất nước phát triển, giúp người dân được hưởng các dịch vụ công tốt hơn: “Doanh nghiệp công nghệ hãy cung cấp giải pháp dịch vụ công trực tuyến dưới dạng nền tảng số dùng chung, triển khai nhanh, nâng cấp nhanh, giá rẻ và chất lượng cao. Với tinh thần Make In Vietnam, Bộ TT&TT cũng là đầu mối nhà nước để giúp các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà phát triển”.


Bộ TT&TT sẽ điều phối, dẫn dắt để đột phá về dịch vụ công trực tuyến Sự khác nhau giữa công nghệ thông tin và chuyển đổi sốVietNamNet giới thiệu bài viết của của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về sự khác nhau giữa công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số (CNTT trong bài này được hiểu là ứng dụng CNTT).