Thời gian qua, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát, cung cấp bổ sung các thôn, bản còn lõm sóng. Báo cáo của 40/63 địa phương cho thấy, trong năm 2023, trên cả nước phát sinh thêm một số thôn, bản chưa có sóng di động. Trong đó, nhiều nơi thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Đáng chú ý khi phần lớn các thôn, bản này đều chưa có điện lưới.
Trước thực trạng trên, Bộ TT&TT đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để giải bài toán xóa vùng lõm sóng di động. Đối với các thôn, bản đặc biệt khó khăn đã có điện, Bộ TT&TT sẽ đưa vào kế hoạch tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp triển khai từ nguồn Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam.
Với các thôn, bản lõm sóng không thuộc khu vực khó khăn, không được hỗ trợ từ nguồn ngân sách, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai phủ sóng bằng nguồn lực của doanh nghiệp và từ các nguồn xã hội hóa. Mục tiêu đặt ra là đảm bảo 100% thôn, bản sẽ có sóng di động.
Xóa vùng lõm sóng di động là một chủ trương lớn đang được Bộ TT&TT triển khai. Hoạt động này được khởi xướng từ tháng 9/2021 nhằm mục tiêu hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số.
Trước thời điểm ngày 1/1/2021, cả nước thống kê được tổng cộng 2.418 thôn, bản lõm sóng. Đây là những điểm mà tại đó, người dân không thể tiếp cận được với sóng di động. Tuy vậy, dưới sự chỉ đạo tích cực của Bộ TT&TT, hết năm 2022, 99,73% các thôn, bản trong số này đã có sóng di động.
Tính đến hết năm 2022, đã có tổng cộng 2.152 thôn, bản trong danh sách trên được phủ sóng. Chỉ còn lại 266 thôn, bản mà sóng viễn thông chưa thể "chạm" đến.
Theo phản ánh của các nhà mạng, lý do vẫn còn có nơi chưa được phủ sóng là bởi các thôn, bản này có địa hình đặc biệt khó khăn, cộng với mật độ dân cư thưa thớt, có nơi chỉ có vài chục hộ gia đình. Thậm chí, tại nhiều thôn, bản vẫn chưa có điện, trong trường hợp sử dụng máy nổ để vận hành trạm sẽ rất tốn kém, không có hiệu quả kinh doanh.
Để mang sóng về vùng lõm, ngoài những thách thức về xây dựng hạ tầng thì quy trình thủ tục cũng rất phức tạp do nhiều vị trí đặt trạm thuộc khu vực đất công. Thời gian xử lý các thủ tục liên quan có thể mất nhiều tháng đến cả năm. Nhằm tháo gỡ khó khăn, các nhà mạng đã phải liên tục cắt cử nhân sự có chuyên môn đi nằm vùng, "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" để hỗ trợ và có phương án xử lý nhanh nhất khi có vấn đề. Nhờ những nỗ lực đó, phần lớn các vùng lõm sóng di động đã bị xóa bỏ trong năm 2022.
Trước đó, tại Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ TT&TT, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng các doanh nghiệp phủ sóng viễn thông tới các thôn bản còn lại trong năm 2023, phấn đấu ở đâu cũng có điện và ở đâu cũng có viễn thông, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Xóa “lõm” sóng di động để tạo động lực phát triển và triển khai thành công CQĐT
Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong trong việc xóa "vùng lõm sóng", "vùng trắng sóng" thông tin liên lạc, đặc biệt ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thủ tướng chỉ đạo xóa nốt vùng lõm sóng trong năm 2023
Cần tiến hành phủ sóng toàn diện, bao trùm tới mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để mọi người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông.
Đây là kết quả sau một năm triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhằm hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số.