Sẽ định kỳ đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí

Đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí là nhiệm vụ Bộ TT&TT giao Cục Báo chí chủ trì thực hiện hàng năm. Dự kiến bộ chỉ số đo lường sẽ được ban hành trong quý II.


Theo Bộ TT&TT, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là tới lĩnh vực truyền thông, nó phá huỷ mô hình truyền thông truyền thống. Báo chí muốn tồn tại được phải chuyển đổi số, phải trở thành một tổ chức công nghệ. Tuy nhiên, nhận thức và chuyển biến của nhiều cơ quan báo chí về chuyển đổi số báo chí hiện còn chưa rõ nét.


Với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số các cơ quan báo chí, Bộ TT&TT đã tham mưu, trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.


Được ban hành từ đầu tháng 4/2023, Chiến lược nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đồng thời, đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.


Phát biểu tại hội nghị ngày 7/4 giao ban quản lý nhà nước quý I của Bộ TT&TT với các đối tượng quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ lần đầu tiên có một chiến lược Thủ tướng ký về chuyển đổi số báo chí. Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số không tốn nhiều tiền. Việc cần làm là chọn ra một số doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ báo chí chuyển đổi số và với các doanh nghiệp đây là “hỗ trợ ngắn hạn nhưng được lợi về dài hạn”.


Bộ TT&TT sẽ ban hành bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí trong quý II năm nay. (Ảnh minh họa: Lê Mỹ)

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả, chất lượng các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại Chiến lược chuyển đổi số báo chí, Bộ TT&TT mới đây đã ban hành kế hoạch hành động của Bộ về triển khai chiến lược này.


Tại kế hoạch mới ban hành, Bộ TT&TT nêu rõ lộ trình tăng trưởng các chỉ tiêu chiến lược chuyển đổi số báo chí cho 2 giai đoạn từ năm 2023 – 2025 và từ năm 2026 – 2030. Theo đó, mục tiêu cần đạt về tỷ lệ cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số trong các năm 2023, 2024 và 2025 lần lượt là 30%, 50% và 70%. Tỷ lệ cơ quan báo chí dùng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động cần đạt 20% trong năm nay và tăng lên 30% và 50% vào các năm 2024, 2025.


Cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số đạt 30% năm 2023, 50% năm 2024 và 80% vào năm 2025.


Với chỉ tiêu cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, tăng doanh thu tối thiểu, kế hoạch đặt ra lộ trình: 5% cơ quan tăng doanh thu 5% vào năm 2023; 15% cơ quan tăng doanh thu 10% vào năm 2024; và 30% cơ quan tăng doanh thu 20% vào năm 2025. Tỷ lệ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số báo chí lần lượt đạt 40%, 70% và 100% vào trong các năm 2023, 2024, 2025.


Tại kế hoạch hành động, Bộ TT&TT cũng phân công cụ thể đơn vị chủ trì, phối hợp, kết quả cần đạt cùng thời gian hoàn thành với 36 nhiệm vụ, giải pháp triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí.


Theo đó, trong quý II, bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí sẽ được xây dựng, ban hành; Cũng trong thời gian này, Cục Báo chí sẽ chủ trì việc đề xuất triển khai thử nghiệm nền tảng công nghệ số để giảm sát và báo cáo vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số. Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí dự kiến cũng sẽ được ra mắt trong quý II/2023.


Trong quý III, Cục Báo chí sẽ phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ xây dựng, cho ra mắt Sổ tay hướng dẫn ứng dụng, khai thác công nghệ số phục vụ chuyển đổi số báo chí.


Nhiều nhiệm vụ, giải pháp khác cũng được Bộ TT&TT lên kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2023 – 2025 như: Xây dựng kế hoạch hợp tác với các nền tảng số tập huấn hỗ trợ các cơ quan báo chí sản xuất và phân phối nội dung trên nền tảng; thúc đẩy hình thành và phát triển các nền tảng truyền hình số, phát thanh số, báo chí điện tử…


Trong báo cáo mới gửi tới Quốc hội, Bộ TT&TT cũng đã cho biết, một trong những việc sẽ được Bộ tập trung thời gian tới là hỗ trợ kinh tế báo chí và chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia, hỗ trợ báo chí chuyển đổi số thành công để dẫn dắt, định hướng dư luận trong bối cảnh không gian mạng có nhiều luồng thông tin chi phối phức tạp.


Sẽ định kỳ đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí Báo chí lan tỏa năng lượng tích cực nhưng không quên chức năng phản biệnBộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý báo chí phải đi đều “2 chân”, vừa lan toả năng lực tích cực, đồng thời không quên chức năng phản biện xã hội.