Phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, trang bị các kỹ năng số cho người dân khi chuyển dịch các hoạt động lên không gian mạng là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội cùng cử tri cả nước.
Tại báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 75 của Quốc hội về hoạt động chất vấn liên quan đến lĩnh vực TT&TT, để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số cho cơ quan nhà nước, phổ cập kỹ năng số cho người dân, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Chuyển đổi số quốc gia chủ trì xây dựng "Đề án tăng cường, nâng cao năng lực chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương". Mục tiêu của đề án này là tăng cường nguồn lực, đặc biệt là tăng cường nguồn nhân lực về chuyển đổi số cho các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.
Bộ TT&TT cũng đã xây dựng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại địa chỉ OneTouch.mic.gov.vn để phổ cập kỹ năng số cho mọi đối tượng. Bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân nói chung; phổ cập kỹ năng số nâng cao theo hướng cá nhân hóa, đào tạo về kỹ năng, quyền và trách nhiệm của công dân số.
Được đưa vào vận hành từ đầu tháng 4/2022, đến nay nền tảng OneTouch đã hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho 204.397 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, bồi dưỡng, tập huấn cho 255.545 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng; phổ cập kỹ năng số cho người dân đạt gần 18 triệu lượt truy cập.
Về phương hướng thời gian tới, Bộ TT&TT cho biết, sẽ tập trung hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành, đồng thời triển khai một cách hiệu quả "Đề án tăng cường, nâng cao năng lực chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương", trong đó có các giải pháp phát triển về số lượng và bảo đảm chất lượng nhân lực chuyên trách CNTT.
Năm nay, Bộ TT&TT cũng sẽ tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho đối tượng cán bộ chuyên trách CNTT của các cơ quan nhà nước, trong đó tập trung vào nội dung dữ liệu số, bám sát chủ đề của năm 2023 là “Năm dữ liệu số quốc gia”.
Đặc biệt, trong năm 2023, Bộ sẽ hình thành mạng lưới 500 chuyên gia chuyển đổi số từ các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở đội ngũ 100 chuyên gia Chính phủ điện tử. Đồng thời, thực hiện bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đội ngũ chuyên gia này. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong tiến trình triển khai chuyển đổi số tại Việt Nam.
Chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử để hình thành mạng lưới chuyên gia từ Trung ương đến địa phương, đã được Bộ TT&TT khởi động từ cuối năm 2019, với đối tượng chính là các trưởng, phó phòng CNTT hoặc giám đốc trung tâm CNTT&TT của các đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành, địa phương.
Ngoài việc tham gia các khóa đào tạo do Bộ TT&TT tổ chức, những năm qua, thông qua các hoạt động và diễn đàn trên mạng, đội ngũ 100 chuyên gia Chính phủ điện tử đã trao đổi, chia sẻ nhiều cách làm hay, giải pháp tốt, đồng thời kết nối với nhau tạo thành một mạng lưới làm lực lượng nòng cốt, những hạt nhân cho quá trình triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Việt Nam hiện xếp thứ 86/193 quốc gia về chính phủ số, chính phủ điện tử, với chỉ số thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. An toàn thông tin mạng đã tăng 75 bậc, hiện xếp thứ 25/193 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đóng góp của kinh tế số vào GDP Việt Nam theo ước tính của Bộ TT&TT đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên đạt 14,26% vào năm 2022. Về xã hội số, Việt Nam đang làm tốt việc phổ cập điện thoại thông minh, tài khoản thanh toán số đến người dân và cáp quang băng rộng đến hộ gia đình.
Đáng chú ý, liên tục trong 3 năm từ 2020 đến 2022, kết quả đánh giá của Bộ TT&TT cũng khá tương đồng với Liên Hợp Quốc, với chỉ số chuyển đổi số quốc gia và các chỉ số thành phần về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đều tăng qua các năm.
Bộ TT&TT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Kế hoạch đưa Việt Nam vào danh sách 50 nước đứng đầu thế giới về chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc đến năm 2026. Dự thảo kế hoạch này đã được Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 3.
Bộ, ngành, địa phương nào xếp hạng cao về chất lượng phục vụ người dân?Theo bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, Hà Nam cùng Nam Định là 2 tỉnh có điểm số cao hơn cả ở khối tỉnh, thành phố. Bộ Quốc phòng và EVN dẫn đầu khối bộ ngành.