Các quan chức cấp cao phương Tây xác nhận với CNN rằng nước Anh đã chính thức viện trợ Ukraine các tên lửa hành trình dẫn đường chính xác “Storm Shadow”, nâng cao đáng kể sức mạnh tấn công tầm xa mà Kiev yêu cầu từ đầu cuộc chiến đến nay.
Vài tuần trước đó, trong số các tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ trực tuyến thông qua nền tảng nhắn tin Discord, tình báo nước này cho biết Anh dự định gửi sang Ukraine một số lượng không xác định tên lửa “Storm Shadow” cùng cả nhân sự vận hành.
Công nghệ dẫn đường kết hợp đối chiếu mục tiêu thụ động
Tên lửa “Storm Shadow” (Bóng bão) được thiết kế để thâm nhập sâu vào các mục tiêu cứng. Nó được trang bị công nghệ “bắn và quên”, cùng hệ thống dẫn đường hoàn toàn tự động. “Bóng bão” có chiều dài 5,1m, sải cánh 3m, đường kính thân 0,48m nặng 1,3 tấn cùng tầm hoạt động hơn 250km.
Vũ khí mới mà Ukraine nhận được, có thiết kế để tấn công các mục tiêu với độ chính xác cao hơn, sử dụng các hệ thống dẫn đường khác nhau được lắp đặt bên trong.
Hệ thống dẫn đường của tên lửa bao gồm dẫn đường quán tính (INS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và dẫn đường tham chiếu địa hình giúp kiểm soát tốt hơn đường đi và tấn công mục tiêu chính xác. Ngoài ra, tên lửa được trang bị đầu dò hình ảnh hồng ngoại thụ động.
“Storm Shadow” được lập trình với mọi chi tiết về mục tiêu và đường đi trước khi xuất kích. Sau khi được phóng ra khỏi máy bay, tên lửa đi theo quỹ đạo được lập trình sẵn ở tầm thấp với sự trợ giúp từ dữ liệu cập nhật liên tục của hệ thống định vị bên trong. Sau đó, nó sử dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh hồng ngoại so sánh hình ảnh khu vực thực tế với hình ảnh được lưu trữ cho đến khi tiếp cận mục tiêu.
Về đầu nổ, “Bóng bão” trang bị đầu đạn nổ/xuyên giáp hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên mở đường cho giai đoạn thứ hai bằng cách xuyên thủng bề mặt mục tiêu, trước khi đầu đạn chính thâm nhập vào trong và phát nổ.
Tên lửa “Storm Shadow” được trang bị hệ thống động cơ phản lực Turbomeca Microturbo TRI 60-30, có thể tạo ra lực đẩy 5,4kN.
Tiền đề cho cuộc phản công
“Storm Shadow” là tên lửa hành trình tầm xa có khả năng tàng hình do Anh và Pháp hợp tác phát triển, thường được phóng từ trên không. Với tầm bắn vượt quá 250km, tương đương 155 dặm, nó chỉ kém khả năng tầm bắn 185 dặm của Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân đất đối đất (ATACMS) do Mỹ sản xuất mà Ukraine đã yêu cầu từ lâu.
Đặc biệt, “Storm Shadow” có phạm vi tấn công sâu vào các lãnh thổ do Nga nắm giữ ở miền Đông Ukraine. Một quan chức phương Tây nói với CNN rằng Vương quốc Anh đã nhận được sự đảm bảo từ chính phủ Ukraine rằng những tên lửa này sẽ chỉ được sử dụng trong lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine chứ không nhằm vào lãnh thổ của Nga.
“Nếu chúng tôi có thể tấn công ở khoảng cách lên tới 300km, quân đội Nga sẽ không thể phòng thủ và sẽ phải thua cuộc”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói với Liên minh châu Âu hồi đầu năm.
Quan chức quân sự cấp cao Mỹ nhận định tên lửa này là “một yếu tố thay đổi cuộc chơi thực sự, từ góc độ tầm bắn” và mang lại cho Ukraine khả năng mà nước này đã yêu cầu kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột. Như CNN đã đưa tin, tầm bắn tối đa hiện tại của Ukraine đối với vũ khí do Mỹ cung cấp là khoảng 49 dặm.
Website của MBDA Missile Systems, công ty châu Âu sản xuất "Storm Shadow" cho biết: “Sau khi phóng, vũ khí hạ độ cao theo địa hình để tránh bị phát hiện. Khi tiếp cận mục tiêu, thiết bị tìm kiếm hồng ngoại tích hợp của nó đối chiếu hình ảnh mục tiêu với hình ảnh được lưu trữ để đảm bảo tấn công chính xác và giảm thiểu thiệt hại phụ.”
Mỹ đã cung cấp nhiều hệ thống tên lửa dẫn đường cho Ukraine, bao gồm Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, hay HIMARS, nhưng chỉ với các loại đạn có tầm bắn giới hạn trong khoảng 50 dặm. Trong một gói vũ khí được công bố vào đầu năm nay, Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ gửi cho Ukraine các quả bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) với tầm bắn gấp đôi. Chúng cũng có thể được phóng từ HIMARS, nhưng việc giao hàng dự kiến sẽ sớm nhất là vào cuối năm nay.
(Theo CNN, WashingtonPost)
Đằng sau sự xuất hiện của ‘siêu tăng’ T-14 Armata tại Ukraine
T-14 Armata, xe tăng chủ lực của quân đội Nga đã tham gia cuộc chiến tại Ukraine trong bối cảnh Mỹ và phương Tây liên tiếp viện trợ cho Kiev những chiến xa mạnh mẽ hàng đầu hiện nay như M1 Abrams, Challenger-2 hay Leopard-2.
Pháo phản lực HIMARS nguy cơ bị ‘soán ngôi’ bởi hệ thống tên lửa vô danh
Pháo phản lực HIMARS trước nguy cơ bị soán ngôi bởi hệ thống tên lửa còn "vô danh" do Israel sản xuất, khi thêm nhiều nước thành viên NATO xem xét trang bị các tổ hợp này.
Hệ thống phòng thủ tên lửa siêu thanh thường được coi là tấm lá chắn thép, giờ đây có thể dễ dàng bị "qua mặt" bởi một thuật toán cũ có tuổi đời hàng thập kỷ.