Nỗ lực kiểm soát dữ liệu của Trung Quốc qua các năm

Bắc Kinh tăng cường kiểm soát dữ liệu trong nước bằng hàng loạt biện pháp quyết liệt, bao gồm các đạo luật và những cuộc điều tra từ năm 2015.


Trung Quốc đang tiến hành điều tra hãng tư vấn Capvision Partners vì lý do an ninh quốc gia. Đài truyền hình trung ương CCTV cáo buộc các tổ chức quốc tế đã lợi dụng doanh nghiệp tư vấn trong nước để đánh cắp bí mật và tài sản sở hữu trí tuệ quốc gia trong các lĩnh vực then chốt.


Một camera giám sát trên đường phố Bắc Kinh năm 2021. (Ảnh: Reuters)

Từ năm 2015, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát dữ liệu và thông tin trong nước, đặc biệt về xuất khẩu. Dưới đây là những mốc thời gian quan trọng trong nỗ lực này của Bắc Kinh.


Tháng 7/2015: Trung Quốc thông qua đạo luật an ninh quốc gia, mở rộng quy mô bảo vệ không gian mạng và nhấn mạnh nhu cầu phát triển công nghệ then chốt. Đạo luật này thay thế đạo luật năm 1993.


Tháng 11/2016: Trung Quốc thông qua đạo luật an ninh mạng, yêu cầu đánh giá bảo mật và dữ liệu phải được lưu trên máy chủ trong nước.


Tháng 6/2021: Trung Quốc thông qua đạo luật an ninh dữ liệu để bảo vệ “dữ liệu quan trọng” và “dữ liệu lõi”, bao gồm thông tin liên quan đến an ninh kinh tế, quốc gia, quốc phòng cũng như các vấn đề quan trọng với lợi ích công cộng.


Tháng 7/2021: Nhà chức trách mở cuộc điều tra an ninh mạng vào hãng gọi xe Didi Global chỉ hai ngày sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Nguồn tin cho biết, công ty đã không làm theo yêu cầu từ nhà chức trách là thực hiện đánh giá bảo mật trước khi “lên sàn”.


Tháng 8/2021: Trung Quốc giới thiệu quy định về hạ tầng thông tin quan trọng, thông qua đạo luật bảo vệ thông tin cá nhân, đặt ra các điều kiện để doanh nghiệp có thể thu thập dữ liệu cá nhân và chuyển ra nước ngoài.


Tháng 11/2021: Một số nhà cung cấp thông tin vận chuyển của Trung Quốc ngừng cung cấp dữ liệu cho doanh nghiệp nước ngoài do tuân thủ quy định dữ liệu mới.


Tháng 1/2022: Trung Quốc công bố các biện pháp đánh giá an ninh mạng, yêu cầu các công ty có hơn 1 triệu người dùng phải trải qua đánh giá bảo mật trước khi niêm yết ở nước ngoài.


Tháng 7/2022: Trung Quốc công bố các biện pháp đánh giá dữ liệu xuyên biên giới, yêu cầu đánh giá bảo mật đối với việc chuyển dữ liệu “quan trọng” ra nước ngoài.


Tháng 9/2022: Nhà chức trách yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ tài chính lớn nhất Trung Quốc – Wind Information – ngừng cung cấp một số dữ liệu cho người dùng nước ngoài, theo Reuters.


Tháng 3/2023: Công ty thẩm định Mintz của Mỹ cho biết, nhà chức trách đã bố ráp văn phòng tại Trung Quốc và bắt 5 nhân viên. Theo Bộ ngoại giao Trung Quốc, Mintz bị tình nghi tham gia vào hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.


Tháng 3/2023: Nền tảng dữ liệu học thuật CNKI của Trung Quốc dừng cho phép nước ngoài truy cập 4 cơ sở dữ liệu của mình để tuân thủ luật dữ liệu.


Tháng 4/2023: Nhà chức trách thông qua cập nhật đối với luật chống gián điệp, cấm chuyển thông tin liên quan đến an ninh quốc gia và mở rộng định nghĩa gián điệp.


Tháng 4/2023: Hãng tư vấn Bain & Co của Mỹ cho biết, cảnh sát đã đến văn phòng Thượng Hải và thẩm vấn một số nhân viên.


Tháng 5/2023: Truyền thông nhà nước tiết lộ nhà chức trách điều tra hãng tư vấn Capvision Partners.


(Theo Reuters)


Trung Quốc bắt giữ người đàn ông sử dụng ChatGPT ‘sản xuất’ tin giả

Trung Quốc bắt giữ người đàn ông sử dụng ChatGPT ‘sản xuất’ tin giả

Cảnh sát Trung Quốc vừa bắt giữ một người đàn ông sử dụng ChatGPT sản xuất bài báo giả mạo về một vụ tai nạn tàu hoả ở nước này.
Trung Quốc bắt buộc người dùng định danh trên mạng hơn 10 năm trước

Trung Quốc bắt buộc người dùng định danh trên mạng hơn 10 năm trước

Từ lâu, nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu người dùng phải đăng ký tài khoản trên mạng bằng tên thật nhằm ngăn chặn tình trạng mạo danh và lan truyền thông tin độc hại.