Điểm mặt các loại tên lửa Nga đã xuất trận tại Ukraine

Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), gần như mọi loại tên lửa thông thường trong kho vũ khí của Nga đã được sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine


Dữ liệu từ chính phủ Kiev cho thấy hầu hết các tên lửa này được phóng từ trên không, trong khi tỷ lệ nhỏ bắn đi từ mặt đất và trên biển.


Các loại tên lửa của Nga được ghi nhận đã xuất trận ở Ukraine cho đến nay

Tên lửa phóng trên không

Bao gồm các tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) tầm xa và tầm ngắn, cùng nhiều loại tên lửa không-đối-đất khác. Ukraine cho biết Nga đã bắn hơn 2.700 tên lửa từ trên không trong 5 tháng đầu tiên cuộc xung đột. Trong số này, khoảng một nửa đến từ máy bay ở bên ngoài không phận.


Tỷ lệ tên lửa phóng đi từ trên không áp đảo số lượng bắn từ mặt đất hay ngoài biển

Kể từ tháng 7/2022, các cuộc tấn công tầm xa của Nga tiếp tục chủ yếu đến từ các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160 hoạt động quanh biển Caspian và khu vực Rostov. Ngoài ra, tỷ lệ vũ khí phóng từ mặt đất trong giai đoạn này cũng tăng lên với việc Moscow sử dụng đáng kể S-300 và hệ thống Iskander để tấn công.


Các ALCM được dùng nhiều nhất là Kh-101 sử dụng định vị vệ tinh, ra mắt từ năm 2012 và Kh-555 là biến thể của ALCM mang đầu đạn hạt nhân Kh-55.


Tên lửa không-đối-đất

Khác với tên lửa hành trình, loại vũ khí này thường nhỏ hơn, tầm bắn ngắn hơn (dưới 300 km) và sử dụng động cơ tên lửa thay vì động cơ phản lực. Tên lửa không đối đất thường được phóng đi từ máy bay chiến thuật Su-24 hay Su-25. Ví dụ, danh mục này bao gồm các biến thể của Kh-59, Kh-58, Kh-31 hay Kh-29.


Phần còn lại của một quả tên lửa sau đợt tấn công vào phía đông Kramatorsk hồi tháng 4/2022. Ảnh: CSIS

Tiên tiến nhất trong số này là Kh-25 (AS-10), được trang bị hệ thống dẫn đường định vị vệ tinh, TV và tia hồng ngoại. Nga cũng sử dụng một số tên lửa dẫn đường tầm gần như LMUR - loại đạn chống tăng mới trang bị đầu dò quang điện, phóng từ trực thăng.


Tên lửa chống bức xạ (ARM)

Gồm 2 loại chính là Kh-58 và Kh-31P. ARM có các thiết bị tìm kiếm tập trung nhắm vào các phát xạ radar, sử dụng trong việc áp chế và tấn công các hệ thống phòng không. Đến tháng 7/2022, Ukraine thông báo ghi nhận 35 vụ phóng ARM.


Tên lửa Kh-22 bên cạnh máy bay ném bom Tu-22

Cũng trong giai đoạn hè năm ngoái, Nga bắt đầu tái sử dụng kho dự trữ tên lửa chống hạm phóng từ trên không Kh-22 và Kh-32 cho các nhiệm vụ tấn công mặt đất. Được bắn từ máy bay ném bom Tu-22, các tên lửa này có kích thước lớn, mang đầu đạn nổ hơn 900kg với tầm bắn 600km ở tốc độ siêu âm.


Kh-22 sử dụng đầu dò radar chủ động để dẫn đường đầu cuối. Trong khi đó Kh-32 là phiên bản hiện đại hơn, đã được giảm tải trọng và được cho là chống nhiễu tốt hơn.


Tên lửa siêu thanh

Cuộc chiến với Ukraine cũng là lần đầu tiên Nga sử dụng tên lửa siêu thanh Kh-47 Kinzhal, một phiên bản được sửa đổi từ tên lửa đạn đạo 9K720 Iskander, phóng từ máy bay chiến đấu MiG-31K.


Tên lửa vượt âm Kh-47 (Kinzhal) có tốc độ tối đa Mach 10 - Mach 12, tầm bắn 2.000km

Ukraine ước tính trong năm 2022, Nga đã sử dụng 10 quả Kh-47. Ngày 4/5, Kiev tuyên bố bắn hạ tên lửa Kinzhal bằng tổ hợp phòng không Patriot PAC-3 do Mỹ viện trợ. Song đến nay Nga chưa đưa ra bình luận về thông tin nêu trên.


Tên lửa bắn từ biển

Các chiến hạm và tàu ngầm của Nga thường xuyên phóng tên lửa hành trình 3M-14 Kalibr từ Biển Đen và Biển Caspi. Những tên lửa này có tầm bắn lên tới 2.500km, chủ yếu nhắm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine.


Mảnh vụn từ tên lửa hành trình 3M-14 Kalibr

Tính đến hết năm 2022, Kiev ghi nhận Moscow đã phóng khoảng 600 tên lửa Kalibr vào nước này.


Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM)

Loại thường xuyên được sử dụng nhất là 9M723, còn gọi là Iskander, có tầm bắn 500km và mang theo tải trọng lên tới 700kg. Tháng 7/2022, Ukraine ước tính đã có 124 lần Iskander xuất kích, đến tháng 1/2023, Bộ trưởng quốc phòng nước này công bố Nga đã phóng gần 750 tên lửa loại này.


Nga cũng đã sử dụng tên lửa tầm ngắn Tochka-U, mang đầu đạn đơn nhất. Đây cũng là hệ thống tên lửa đạn đạo duy nhất mà 2 nước đang xung đột cùng sở hữu.

Ngoài ra, một số tên lửa hành trình phóng từ mặt đất khác như 9M727 và 9M728 cũng đã được sử dụng bắn từ bệ phóng 9K720 Iskander-M.


P-800 Oniks

Một trong những hoạt động đáng chú ý của Nga trong cuộc chiến là việc tái sử dụng tên lửa chống hạm và phòng không cho các nhiệm vụ tấn công mặt đất. P-800 là tên lửa siêu thanh có đầu dò radar chủ động, thường dùng trong tấn công các chiến hạm có lớp giáp dày.


Tên lửa chống hạm P-800 Oniks

Moscow cũng từng sử dụng P-800 Oniks tấn công mục tiêu mặt đất ở Syria vào năm 2016. Ukraine ước tính trong năm 2022, Nga đã phóng dưới 150 tên lửa Oniks vào nước này.


S-300

Mặc dù là hệ thống phòng không tầm xa, nhưng S-300 có thể kích hoạt chế độ đất-đối-đất. Hệ thống này mang các đầu đạn tương đối nhỏ (hầu hết khoảng 150kg) và sử dụng radar bán chủ động để định vị đầu cuối.


Cơ quan quốc phòng Ukraine cho biết Nga đã phóng hơn 1.000 tên lửa đánh chặn S-300 vào các mục tiêu đất liền.

Phần lớn các tên lửa này có thể là loại 5V5KK cũ hơn với tầm bắn 120km, nhưng đến đầu năm 2023, biến thể đánh chặn tầm xa 48N6 cũng đã được ghi nhận.


(Theo CSIS)


Drone thế hệ mới ‘tham vọng’ xoay chuyển cục diện chiến trường

Drone thế hệ mới ‘tham vọng’ xoay chuyển cục diện chiến trường

Gây nhiễu sóng vô tuyến đang là “gót chân Achilles” của các loại máy bay không người lái, song những chiếc drone thế hệ mới có thể sớm vượt qua thách thức này.
Đằng sau sự xuất hiện của ‘siêu tăng’ T-14 Armata tại Ukraine

Đằng sau sự xuất hiện của ‘siêu tăng’ T-14 Armata tại Ukraine

T-14 Armata, xe tăng chủ lực của quân đội Nga đã tham gia cuộc chiến tại Ukraine trong bối cảnh Mỹ và phương Tây liên tiếp viện trợ cho Kiev những chiến xa mạnh mẽ hàng đầu hiện nay như M1 Abrams, Challenger-2 hay Leopard-2.