Bom dẫn đường thế hệ mới khắc phục ‘tử huyệt’ chiến trường

Sau hơn một thập kỷ phát triển, một loại bom dẫn đường thế hệ mới, được kỳ vọng giải quyết những thách thức do tác chiến điện tử đặt ra, sắp được đưa vào sản xuất hàng loạt.


Bom lượn chính xác GBU-53/B “StormBreaker” do tập đoàn Raytheon nghiên cứu phát triển, dự kiến sẽ sản xuất tại Tucson, Arizona kể từ tháng 6 năm 2027. Lực lượng Không quân Mỹ có kế hoạch chi 320 triệu USD trang bị khoảng 1.500 đơn vị, có khả năng tấn công mục tiêu di chuyển trên mặt đất bất kể điều kiện thời tiết hay thời gian trong ngày.


Loại bom này đã được cấp phép sử dụng trên máy bay tấn công F-15E, nhưng cũng đang trong quá trình tích hợp vào máy bay chiến đấu Super Hornet và máy bay tàng hình F-35.


Công nghệ dẫn đường tối tân


GBU-53/B được trang bị công cụ tìm kiếm “ba quang phổ”, cung cấp lựa chọn dẫn đường bằng tia laser, bộ thiết bị tìm kiếm hồng ngoại không làm mát và một radar sóng milimet, tất cả được gắn trên cùng một thiết bị chống rung di động ở phần mũi.


Những cảm biến đó được sử dụng phối hợp để cải thiện độ chính xác của bom hoặc riêng lẻ nếu một trong số chúng bị vô hiệu hoá do các biện pháp đối phó hoặc suy giảm hoạt động trong điều kiện bất lợi như khói, sương mù hay mưa. Theo công bố của nhà sản xuất, quả bom có sai số trung bình chỉ khoảng một mét.


Bom dẫn đường thế hệ mới đã được phê duyệt sử dụng trên dòng máy bay F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ

Trong khi lướt đến mục tiêu, các cảm biến của quả bom cũng cho phép nó hoạt động như một hệ thống trinh sát, cung cấp dữ liệu cảm biến để sử dụng trong việc định vị các mục tiêu bổ sung hoặc cập nhật kế hoạch nhiệm vụ. Nó thậm chí có thể được hướng dẫn để tìm kiếm những kẻ thù cụ thể, sử dụng hệ thống hồng ngoại phân loại mục tiêu tiềm năng và gửi lại các đề xuất cho người điều khiển con người chấp thuận hoặc từ chối. Công nghệ này giúp nâng cao khả năng sống sót của máy bay phóng khi có thể “bắn và quên”.


Chưa dừng lại, GBU-53/B được trang bị bộ chống phá sóng GPS và dẫn đường quán tính, đồng thời có thể nhận hiệu chỉnh hướng đi từ máy bay hoặc lực lượng mặt đất khác thông qua liên kết dữ liệu hai chiều. Điều này mở ra khả năng cho phép định hướng lại cuộc tấn công khi bom đã rời bệ phóng.


Công cụ thiết lập “vùng cấm lái”


Vũ khí dẫn đường mới này có kích thước nhỏ gọn chỉ nặng 92,5kg/đơn vị, với đường kính 17,7cm nhưng trang bị các công nghệ tinh vi. Nhà sản xuất tên lửa châu Âu MBDA là đơn vị sản xuất các cánh điều hướng bật ra từ quả bom khi phóng.


Khi được phóng từ độ cao tối đa, bom lượn có thể tấn công các mục tiêu di động cách xa tới 45 dặm hoặc mục tiêu tĩnh ở cự ly 69 dặm, đồng nghĩa chúng có thể được sử dụng từ bên ngoài phạm vi phòng không tầm ngắn và thậm chí cả các hệ thống tầm trung cấp thấp hơn. Với các mục tiêu cự ly gần, quả bom sử dụng quỹ đạo “xoắn ốc”.


GBU-53/B có thể được "cải tiến" với động cơ đẩy để trở thành tên lửa dẫn đường giá rẻ cho các mục tiêu khoảng cách tầm trung

Với đầu đạn đa năng nặng 105 pound (47,6kg), GBU-53/B có hiệu quả khi chống lại các mục tiêu từ xe tăng chiến đấu chủ lực đến bộ binh, các tòa nhà kiên cố và tàu tuần tra. Sai số ít với mục tiêu đang di chuyển của quả bom có nghĩa nó có khả năng thực thi vùng “cấm lái” trên mặt đất tương đương vùng cấm bay.


Việc tích hợp tất cả các tùy chọn vào một loại vũ khí sẽ hợp lý hóa công tác hậu cần bằng cách loại bỏ nhu cầu nạp nhiều loại vũ khí lên một máy bay chiến đấu dự phòng cho các tình huống bất ngờ khác nhau.


Ngoài ra, nhà sản xuất cũng đề xuất bổ sung động cơ đẩy tên lửa để mở rộng tầm bắn cho GBU-53/B. Trong trường hợp đó, bom lượn này có thể trở thành một tên lửa dẫn đường giá rẻ để tấn công các hệ thống phòng không hay mục tiêu di động có giá trị cao từ khoảng cách trung bình.


Tháng 9/2020, Bộ Tư lệnh Tác chiến Không quân Mỹ đã phê duyệt sử dụng GBU-53/B trên F-15E Strike Eagle, những chiếc máy bay chiến đấu phản lực có khả năng mang 28 quả bom “Stormbreaker” mỗi lần xuất kích.


Trong khi đó, Hải quân Mỹ đang tích hợp vũ khí dẫn đường mới lên máy bay phản lực FA-18E/F Super Hornet trên tàu sân bay. Bên cạnh đó, loại bom này cũng được xem xét thử nghiệm trên chiến đấu cơ F-16 cùng các loại máy bay chiến đấu AC-130W, máy bay không người lái chiến đấu MQ-9, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor, máy bay phản lực tấn công A-10 và máy bay ném bom hạng nặng B-52, B-1 và B-2.


(Theo PopMech)


Tác chiến điện tử kiểu mới diệt drone trong xung đột Nga - Ukraine

Tác chiến điện tử kiểu mới diệt drone trong xung đột Nga - Ukraine

Chiến trường Ukraine cho thấy một loại tác chiến điện tử mới có thể đánh lừa hệ thống dẫn đường của các máy bay không người lái.
Pháo phản lực HIMARS nguy cơ bị ‘soán ngôi’ bởi hệ thống tên lửa vô danh

Pháo phản lực HIMARS nguy cơ bị ‘soán ngôi’ bởi hệ thống tên lửa vô danh

Pháo phản lực HIMARS trước nguy cơ bị soán ngôi bởi hệ thống tên lửa còn "vô danh" do Israel sản xuất, khi thêm nhiều nước thành viên NATO xem xét trang bị các tổ hợp này.